Con đường quê ngoằn ngoèo dẫn tôi về thôn Tân Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) - nơi mẹ V.A. đang ở. Hỏi thăm người dân ở làng, họ chỉ cho tôi ngôi nhà hai gian cấp 4 lợp mái tôn, cửa chính quay vào phía trong.
Bước vào, tôi thấy 2 người phụ nữ đang ngồi khâu nón, hỏi ra được biết đó là bà ngoại và mẹ của Tina Duong (tên thật N.T.V.A, 27 tuổi, quê Bắc Giang) - chị N. (SN 1975). “Kể từ khi con gái bị bóc phốt lên mạng, tôi nghỉ làm ở quán ăn vì xấu hổ. Mẹ tôi thương con, thương cháu ngày nào cũng đến, 2 mẹ con ngồi khâu nón cho đỡ nghĩ ngợi nhiều”, chị N. tiếp chuyện tôi.
Học hết lớp 8
Ngồi trong ngôi nhà lợp mái tôn nóng hầm hập, không có những vật dụng sinh hoạt đáng giá, chị N. kể vợ chồng chị sinh được 3 người con, V.A. là con gái đầu, 2 người em trai: một đang học nghề, một đang học lớp 7.
Năm 2012, vợ chồng chị N. ly hôn, chị N. nhận nuôi cả ba con và đến ở nhà bố mẹ đẻ. Ngoài làm ruộng, chị phụ việc cho mấy quán ăn ở thị trấn Vôi.
Chị bảo: “Khi ly hôn, tôi cứ tự hào về 3 đứa con cao lớn, là động lực để quên đi nỗi buồn. Vậy mà đứa con gái đầu lại làm tôi khổ tâm thế này. V.A. học hết lớp 8 trường làng thì bỏ. Ngày còn đi học ở xã Đào Mỹ, V.A. hay mâu thuẫn với một bạn trong lớp, nên không muốn đi học nữa và xin chuyển sang học ở xã bên cạnh".
Mẹ V.A nói: "Tuy nhiên, trong thời gian học ở đây, nó hay kêu chán, lấy nhiều lý do để nghỉ học. Tôi nghĩ nó sang môi trường mới chưa quen bạn bè nên như vậy. Động viên mãi nó cũng đi học đều đặn nhưng liên tục bị ngất, thỉnh thoảng lại ngã lăn ra đường. Đêm ngủ kể cả mùa hè và mùa đông, cứ tầm 2h, nó lại kêu mẹ ơi con rét, con không chịu nổi, nhưng chỉ trong khoảng 2-3 phút lại trở lại bình thường. Nhiều lần gia đình đưa đi bệnh viện ở Hà Nội khám, nhưng các bác sĩ đều nói nó không có bệnh tật gì".
Căn nhà cấp 4 - nơi mẹ và 2 em trai của V.A. đang ở. |
Có lần V.A. bỏ nhà đi biệt 2 ngày, cả nhà tỏa đi tìm thì thấy nấp trong cái miếu. “Thỉnh thoảng nó lại bỏ nhà như thế, lần thì tìm thấy ẩn trong chùa, lần thì núp trong ngôi nhà hoang. Mỗi lần nó kêu ốm, đưa đi bác sĩ tiêm vào chỉ khoảng một phút là nó lại nhanh nhảnh như không", chị N. kể tiếp.
Cũng năm đó, V.A. bỏ học, được người cô đưa ra Hà Nội bán quần áo. Từ đây V.A. quen một người ở tỉnh Phú Thọ rồi cưới nhau, có đăng ký kết hôn, có dẫn cưới đàng hoàng. Tuy nhiên, được gần 2 năm, thì 2 vợ chồng ly hôn khi chưa có con.
Đến chuyện bị bóc phốt, tố lừa đảo
Sau khi ly hôn người chồng ở tỉnh Phú Thọ, năm 2018, V.A. tiếp tục ra Hà Nội bán quần áo rồi quen biết với nam thanh niên được cho là gia đình đại gia. Theo những thông tin tố trên mạng, đám cưới giữa 2 người diễn ra rất xa xỉ tại khách sạn 5 sao ở Hà Nội, mời vài trăm khách, của hồi môn là chiếc Rolls Royce hàng chục tỷ đồng.
Gia đình người chồng cho rằng đây hoàn toàn là chiêu trò lừa đảo của V.A. khi thuê biệt thự, căn hộ hạng sang, xế hộp đắt tiền để "làm màu", thuê người đóng giả bố giàu sang, thuê người tham gia dự tiệc đám cưới, thuê người đóng giả nhân viên công chứng để giao dịch bất động sản... Tổng số tiền bị lừa khoảng 17 tỷ đồng.
Từ ngày con bị tố cáo lừa đảo, chị N. - mẹ của V.A. bỏ việc bên ngoài, chỉ ở nhà khâu nón. |
Nhắc đến đám cưới sang chảnh này, chị N. cho biết: "Tôi nào có biết cái đám cưới này đâu. Đến lúc xảy ra chuyện, gia đình họ gọi ra để nói chuyện. Đến nơi mới biết là con mình như vậy, nhưng tôi không rõ thực hư con lừa đảo thế nào, nhưng tôi trách nhà trai lại dễ tin là thông gia nhà ở Hà Nội, làm chức nọ, chức kia, có nhà lầu xe hơi. Tại sao không tìm hiểu xem gia đình con dâu ở đâu, bố mẹ ra sao, cho con mình lấy vợ mà không đăng ký kết hôn, không về tận quê nó tìm hiểu. Chứng minh nhân dân của con tôi là ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cơ mà…”.
Khi gia đình nhà chồng ở Hà Nội có ý kiến về cô con dâu lừa đảo, V.A. lại về quê làm công việc khâu nón. Được khoảng 2 tháng lại xin tiền mẹ để đi làm, nhưng chị N. nghĩ lúc này con cần bình tâm suy nghĩ nên khuyên cứ ở nhà.
“Không biết nó làm cách nào, vay tiền của ai mà nó đi và đi biệt từ năm đấy đến giờ không về nhà lấy một lần. Gọi điện nó bảo con bận mở quán cà phê, cửa hàng hoa quả sạch, rồi kinh doanh bất động sản… lúc nào rỗi con gọi cho. Thỉnh thoảng nó có nhắn cho mẹ cái tin, tôi luôn dặn con đừng làm cái gì liên quan đến pháp luật, thế nhưng nó có nghe mình đâu. Bây giờ, mọi người bảo tôi không dạy dỗ được con, để nó tác oai tác quái thế. Đúng, có con như vậy họ trách cha trách mẹ là phải. Nhưng nó hơn 18 tuổi rồi, phải tự có trách nhiệm với bản thân và những hành vi gây ra”, chị N. rơm rớm nước mắt.
Đám cưới V.A. với một đại gia Hà Nội bị tố là V.A. dùng chiêu trò để lừa đảo 17 tỷ đồng. |
Có lần chị hỏi là con có tiền gửi cho mẹ để mẹ nuôi 2 em ăn học, V.A. nhắn lại “Lát con chuyển cho”, nhưng 5 ngày sau không thấy chuyển và cũng mất hút luôn. Từ ngày V.A. rời làng ra đi là gần 4 năm rồi, chỉ gửi cho mẹ đúng 3 triệu đồng.
“Vợ chồng tôi ly hôn, bố mẹ đẻ cho mảnh đất để dựng ngôi nhà cấp 4, đến giờ tôi vẫn chưa trả hết tiền. Nếu nó gửi cho tôi để xây dựng nhà cao cửa rộng, để trả nợ đã đành, đằng này còn thỉnh thoảng nhắn tin xin tiền mẹ. Cách đây khoảng một tháng, tôi bị một nhóm người đến tận nhà bảo phải có trách nhiệm trả cho V.A. 300 triệu đồng chưa kể lãi mà nó vay để mở quán cà phê, nhưng tôi có vay đâu mà bắt tôi trả...
Vài tháng trước, tôi bảo con ơi con bấm điện thoại video để mẹ được nhìn thấy, đã lâu lắm rồi mẹ không nhìn thấy con. Nó bảo dạo này con gầy, xấu lắm, tôi bảo xấu cũng cho mẹ nhìn con một cái, nhưng nó có cho đâu.
Hôm bị bóc phốt lên mạng, nó vẫn nhắn tin bảo mẹ gửi cho mấy triệu. Tôi bảo: Bây giờ con làm thế, mẹ không dám ngẩng mặt nhìn ai, mẹ không bước chân ra đến cổng, chả biết vay tiền ai để gửi cho con. Nếu có thể con về Bắc Giang, có gì mẹ con cùng phối hợp giải quyết. Mấy hôm nay nó cũng không nhắn cho tôi lấy một lời là mẹ ơi con thế này, con thế kia; gọi điện nó cũng không nghe thì không hiểu nó là con người như thế nào nữa. Người ta đăng lên như thế này, tôi là người mẹ rất khổ tâm, còn nó nó không biết đâu, nhìn cái ảnh, clip quay lên đấy, nó vẫn hớn hở như không có vấn đề gì”, chị N. sụt sùi.
Liên quan đến vụ việc này, ông Mạc Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Đào Mỹ, cho biết nắm được thông tin trên mạng xã hội, UBND xã đã giao cho công an xã xác minh. Hiện chính quyền xã chưa nhận được đơn tố cáo nào.
Công an tỉnh Bắc Giang cho biết cũng mới chỉ nhận được một lá đơn tố cáo. Theo thông tin từ Công an TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) nơi V.A. đang tạm trú, công an đã mời V.A. lên làm việc theo đơn trình báo. Tuy nhiên, vụ việc đang trong quá trình điều tra, đến thời điểm này vẫn chưa có căn cứ để khởi tố. Cơ quan công an đã cho gia đình, người thân bảo lãnh V.A. về.
Trước đó, anh N.H.N. gửi đơn đến công an tố V.A. lừa khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh này cho biết vụ việc đang được Công an TP Phan Thiết tiếp nhận.
Ngoài ra, theo phản ánh trên mạng xã hội của một phụ nữ tên L., năm 2018, V.A. với vẻ ngoài giàu sang đã hẹn hò với em chồng chị này. Chị L. cho rằng Tina Duong nhiều lần chủ động tặng quà cho gia đình bạn trai, thể hiện sự hiểu biết về những tài sản xa xỉ, đắt tiền. Sau đó cô gái thường xuyên vay tiền của gia đình. Có lần chồng của chị được V.A. rủ huy động cả chục tỷ đồng để đầu tư bất động sản.
Chị L. còn cho biết đám cưới giữa V.A. với em chồng chị rất xa xỉ, diễn ra tại khách sạn 5 sao ở Hà Nội, mời vài trăm khách, của hồi môn là chiếc Rolls Royce hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên chị L. cho rằng đây là chiêu trò lừa đảo của V.A. Cô gái này đã thuê biệt thự, căn hộ hạng sang, thuê xế hộp sang trọng ở để "làm màu"; thuê người đóng giả bố và đến dự tiệc cưới; thuê người đóng giả nhân viên công chứng để giao dịch bất động sản... Theo chị L., tổng số tiền V.A. lừa gia đình chị vào khoảng 17 tỷ đồng.
Hôm 17/9, biết V.A. ở Bình Thuận, chị L. đã báo công an để mời cô gái này về trụ sở làm việc. Sau đó, V.A. được người thân bảo lĩnh. Theo Tiền Phong, quá trình làm việc, "tiểu thư sang chảnh" Tina Dương cho rằng mình không lừa đảo, mà chỉ có mối quan hệ làm ăn với người gửi đơn tố cáo là ông N.H.N.
(Theo Báo Bắc Giang)