- Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa đưa ra phản ứng về việc VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc cùng gần 60 nhạc sĩ phản đối Cục đã tiếp tay cho các bầu sô xù tiền tác quyền. Theo đó, phía Cục cho rằng VCPMC có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo.
 

 

VCPMC có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khiếu nại

Thông tin từ trang web của Cục NTBD cho hay ngày 22/2/2012 Cục nhận được một bản đánh máy "không đầu không đuôi" (không có tiêu đề, không có người đứng tên chịu trách nhiệm nội dung bản viết) với nội dung tố cáo và qui kết Cục đã sai phạm trong cấp phép biểu diễn dẫn tới gây thất thoát tiền tác quyền của các nhạc sĩ...

Phía Cục cho rằng bản viết này được VCPMC sử dụng con dấu đỏ đóng giáp lai vào các trang để khẳng định rằng đây là văn bản chính thống và các chữ ký thể hiện trong văn bản của cá nhân nhạc sĩ là quan điểm và ý chí của tập thể. Bản gốc của lá đơn có viết nội dung với chữ ký của 4 người (nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Văn Hách và một người viết thơ).
 

Ý kiến của Cục về "vụ" bản quyền tác giả âm nhạc
được đăng trên web chính thức của Cục.
 

Tuy nhiên, khi được hỏi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho biết chị được nhà văn Trần Thị Trường (thành viên của VCPMC) mời ký để kiến nghị lên cơ quan nhà nước giúp đỡ bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm cho các nghệ sĩ, nhưng khi ký không đọc nên không rõ trong đơn ấy viết gì.

Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên khẳng định có ký nhưng cũng giống như nhà thơ Thanh Nhàn "ký mà không đọc nên không rõ nội dung trong đó viết thế nào". Tương tự là trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và bà Thanh Hồng (vợ cố nhạc sĩ, bộ trưởng Trần Hoàn).

Theo nhận định từ Cục NTBD, một số cá nhân của VCPMC đã dựng chuyện "tố cáo" Cục làm sai và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo bởi Luật Khiếu nại Tố cáo (ban hành năm 1998) nêu rõ: Trong trường hợp việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên.

Sẽ có một TT Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc mới?

Bên cạnh đó, Cục NTBD cũng tố VCPMC có sự nhập nhèm tiền nong. Theo Cục, ông Nông Xuân Ái, GĐ Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc chia sẻ không thể trả tác quyền chương trình Chế Linh biểu diễn tại HN vào tháng 11/2011 là bởi không thể thỏa thuận (giá 300.000 đ/ bài) với VCPMC bởi mức giá họ yêu cầu quá cao 4 triệu/ca khúc căn cứ trên số ghế của TT Hội nghị quốc gia.

NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đưa ra chi tiết: "Đã có tác giả nào đặt câu hỏi và tìm hiểu ngọn ngành xem VCPMC thu 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/ 1ca khúc (chương trình của nhạc sĩ Quốc Trung biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội) nhưng tác giả của nó được trả thực chất là bao nhiêu và số tiền dôi ra kia hiện đang ở đâu?". 

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD (trái) và ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC (phải)

Phía Cục NTBD cũng cho hay không chỉ NSND Trần Bình, NSƯT Xuân Ái mà nhiều nhạc sĩ khác cũng không tin tưởng vào VCPMC do mập mờ về thu chi tiền nong nên các nhạc sĩ đã trực tiếp làm việc với nghệ sĩ biểu diễn. Và nếu Cục giúp đỡ, hỗ trợ VCPMC để thu tiền tác quyền như đòi hỏi của VCPMC thì vô hình chung tiếp tay cho một tổ chức hoạt động nghề nghiệp chiếm đoạt công sức các nhạc sĩ.

"Tôi và nhiều nghệ sĩ biểu diễn khác rất mong cơ quan kiểm toán làm việc với VCPMC để mọi việc được minh bạch. Hiện tại, tôi đang xúc tiến thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Trung tâm này sẽ không thu một đồng phí nào của các tác giả mà sẽ thực hiện việc bảo vệ tác quyền đúng với tinh thần của luật định" - NSND Trần Bình nói.

Hết VCPMC "tố" hành vi thiếu trách nhiệm cố ý tiếp tay cho các bầu sô xù tiền của Cục giờ đến lượt Cục phản ứng lại cho rằng VCPMC cố tình "ăn vạ", "đổ vấy" nhằm ép Cục phải "thông đồng" với mình. Việc hai bên ra sức đổ lỗi cho nhau có lẽ chỉ các nhạc sĩ là không biết dựa vào ai để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Sơn Hà