Bộ Y tế kết luận bệnh viện chưa chẩn đoán chính xác
Ngày 26/4, Tòa án nhân dân TP.HCM mở lại phiên phúc thẩm vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”. Nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV - Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM). Bị đơn là bà N.T.M.C, bệnh nhân từng điều trị tại đây.
Đại diện Bệnh viện FV khẳng định bài viết của bệnh nhân khiến bệnh viện rơi vào khủng hoảng truyền thông
Trong phiên phúc thẩm tháng 5/2020, phiên tòa tạm hoãn vì bị đơn kiến nghị Bộ Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét quá trình điều trị của bà M.C.
Thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế (ký ngày 9/2/2021) nêu rõ, bác sĩ siêu âm của Bệnh viện FV đã không phát hiện được người bênh có thai tại sẹo mổ cũ. Căn cứ vào kết quả siêu âm và test nhanh nước tiểu, bác sĩ khám bệnh đã không chẩn đoán được tình trạng có thai của bà M.C. Từ đó dẫn đến xử trí không phù hợp.
Văn bản cũng khẳng định, trong lần nhâp viện tiếp theo, các bác sĩ Bệnh viện FV chưa chẩn đoán chính xác bệnh lý của người bệnh là “chửa tại sẹo mổ lấy thai” nên xử trí chưa triệt để. Sau đó, Bệnh viện Từ Dũ đã phẫu thuât lấy khối nhau, bảo toàn tử cung cho người bệnh.
Trước đó, ngày 19/6/2018, bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị ứ dịch trong lòng tử cung, dựa vào test nhanh và siêu âm cho thấy bệnh nhân không có dấu hiệu có thai. Bác sĩ chỉ định thuốc Misoprostol để tháo lưu dịch trong tử cung.
2h sáng ngày 20/6/2018, bệnh nhân chảy máu ồ ạt và vào lại Bệnh viện FV cấp cứu. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có thai lưu. Chẩn đoán của Bệnh viện FV khi đó là “chảy máu tử cung nhiều do sảy thai”.
Đại diện Bệnh viện FV: Bệnh viện chẩn đoán phù hợp
Trong phiên tòa ngày 26/4, đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi với Bệnh viện FV: bệnh viện có nhầm lẫn hay sai sót chuyên môn hay không?
Đại diện bệnh viện cho biết Bộ Y tế không kết luận bệnh viện sai. Bệnh nhân đã sảy thai từ trước khi vào bệnh viện nên việc chẩn đoán ứ dịch trong lòng tử cung và sau đó lấy thai là phù hợp.
Hội đồng xét xử đặt câu hỏi việc kê thuốc Misoprostol có phù hợp không khi bệnh nhân M.C thuộc đối tượng chống chỉ định? (chống chỉ định với bệnh nhân có thai trên sẹo mổ cũ)
Đại diện bệnh viện cho rằng sử dụng thuốc như thế nào là do Cục Quản lý dược - Bộ Y tế ban hành.
HĐXX nhận định tình trạng bệnh nhân mà bệnh viện kết luận (có thai tại vết sẹo mổ cũ lấy thai) mâu thuẫn với chỉ định của thuốc Misoprostol.
Đại diện bệnh viện cho rằng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, phải dựa vào nhiều chứng cứ, xét nghiệm, chẩn đoán ở từng thời điểm. Kết luận của Bộ Y tế là kết hợp cả quá trình điều trị ở Bệnh viện Từ Dũ, nên nguyên đơn không thấy có mâu thuẫn.
Hội đồng xét xử cho rằng, việc đúng hay sai về chuyên môn là nguyên nhân bài đăng tải trên Facebook cá nhân của bà N.T.M.C và dẫn đến câu chuyện ngày hôm nay.
Bệnh nhân nói xấu bệnh viện?
Trong phần tranh luận, nguyên đơn cho rằng bà M.C đã “sáng tác”, bôi nhọ bệnh viện khi chưa có kết luận chuyên môn, làm ảnh hưởng nặng nề đến bệnh viện, khiến bệnh viện rơi vào khủng hoảng truyền thông.
Đại diện của bệnh nhân cho biết, bài đăng trên Facebook cá nhân của bà M.C là tường thuật câu chuyện của bị đơn khi đi khám và điều trị tại Bệnh viện FV vào ngày 19/6/2018. Phía bệnh nhân khẳng định bệnh viện đã tự ý tiết lộ hồ sơ bệnh án, tình tiết bệnh nhân từng uống thuốc ngừa thai khẩn cấp 2 lần, và gửi cho nhiều bên. Hành động này của bệnh viện gây ảnh hưởng cuộc sống gia đình, quyền riêng tư của bệnh nhân, vi phạm luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa và sẽ mở lại vào ngày 4/5.
Ngày 23/6/2018, bà N.T.M.C chia sẻ trên trang cá nhân việc Bệnh viện FV "sáng nói không có thai, chiều nói có thai" và cho mình uống thuốc phá thai (Misoprostol) khiến đứa con trong bụng chết oan uổng. Bài viết sau đó nhận được nhiều lượt chia sẻ và quan tâm của cộng đồng. Bệnh viện FV cho rằng bệnh nhân đăng tải sai lệch sự thật gây ảnh hưởng nặng đến uy tín và danh dự, hoạt động của bệnh viện nên có đơn khởi kiện. Phiên sơ thẩm bắt đầu từ ngày 9/9/2018. Khi đó, HĐXX Tòa án nhân dân quận 7, TP.HCM chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn: Yêu cầu bị đơn viết thư xin lỗi đến 3 tờ báo (Bệnh viện FV chỉ định), bồi thường 13.9 triệu đồng, tương đương 10 tháng lương cơ bản để bù đắp tổn thất tinh thần. HĐXX bác bỏ yêu cầu đòi bệnh nhân bồi thường 1,3 tỷ đồng. (Bao gồm chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông và lập vi bằng). Phía bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Phiên phúc thẩm bắt đầu từ ngày 12/5/2020. Mở lại vào ngày 26/4/2021. Dự kiến ngày 4/5/2021 HĐXX sẽ tuyên án. |
Linh Khuê