-  Chiều 15/4, UBND huyện Thạnh Hóa, Long An đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về vụ cưỡng chế làm nhiều người bị thương vào ngày 14/4.

“Tôi không ngờ người dân hung dữ quá”. Ông Nguyễn Văn Tạo chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An) cho biết như trên trong buổi gặp gỡ báo chí vào chiều 15/4 sau sự cố người dân phản ứng với đoàn cưỡng chế tại Dự án đầu tư đê bao chống lũ huyện Thạnh Hóa.

{keywords}
Khu đất dọc kênh Dương Văn Dương kéo dài đến ngã ba sông Vàm Cỏ Tây nơi xảy ra sự cố.

Theo ông Tạo, vào ngày 13/4, khi thực hiện cưỡng chế, trong lúc chủ tịch UBMTTQ huyện và chủ tịch Hội phụ nữ huyện phát loa vận động chủ nhà tự tháo dỡ bất ngờ từ bên trong một lượng acid đậm đặc được hất tung ra ngoài. 

Tiếp đó, 2 bình gas loại 12kg được bỏ vào trong chiếc lu chứa khoảng 60 lít xăng được châm lửa. Ngọn lửa bùng lên cũng vừa kịp lúc xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp lao tới dùng bọt dập lửa. Tuy nhiên, do chiếc lu bị vỡ toang, lửa lan rộng đã thiêu rụi căn nhà.

Lực lượng bảo vệ cưỡng chế đã áp sát khống chế 14 đối tượng đưa về công an huyện phục vụ điều tra. 3 người của lực lượng cưỡng chế trong đó có trung tá Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an xã Thạnh An bị thương trong sự cố này.

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đã tiến hành họp đánh giá mức độ vi phạm và sàng lọc được 7/14 đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội phạm tiếp tục tạm giữ. Số còn lại được cho về sau đó.

Được biết dự án đê bao chống lũ thị trấn Thạnh Hóa được triển khai vào năm 2009. Số hộ dân phải di dời là 109 hộ. Những căn nhà này đều nằm sát bờ kênh trong phạm vi chỉ giới đường sông, thuộc đất công nên không hộ nào được công nhận quyền sử dụng đất. Nếu di dời thì các hộ này chỉ được hỗ trợ 70 – 80.000đ/1m2. 

Thế nhưng, theo lời ông Tạo, đa số bà con đều nghèo nên huyện đã tìm cách xin được nâng lên giá 300.000đ/m2 nhằm giúp bà con bớt khó khăn. Sau nhiều đợt vận động đã có 106 hộ tự nguyện di dời và chấp nhận khung giá bồi thường.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Tạo, chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa chủ trì họp báo.

3 hộ còn lại là Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Tài và Nguyễn Thị Nhanh vẫn không chấp nhận, tiếp tục khiếu kiện đến các cơ quan tố tụng trong đó cấp cao nhất là Tòa án tối cao nhưng tất cả đều bị bác đơn. Tháng 4/2011, 3 hộ này đã tháo dỡ. Không lâu cả 3 lại tiếp tục dựng lều để ở trong khu đất đã thu hồi.

Điều đáng nói, hộ Nguyễn Thị Nhanh đã có nhà nơi khác. 2 hộ còn lại được huyện bố trí nhà tạm cư đồng thời bố trí đất tái định cư nhưng vẫn cố tình vi phạm.

"Hiện trung tá Thủy, người hứng ca acid vào lưng được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu đã không còn nguy hiểm" - ông Nguyễn Văn Tạo, chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết thông tin trên.

Trong chiều 15/4, chúng tôi đến hiện trường nơi xảy ra sự cố. Một đoạn bờ dọc theo kênh Dương Văn Dương đến ngã ba sông Vàm Cỏ Tây được rào chắn kỹ lưỡng. Bà con chung quanh vẫn chưa hết bàng hoàng về diễn biến xảy ra ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. 

Chủ một quán cà phê cạnh chợ Tuyên Nhơn cho chúng tôi biết: “Chúng tôi hết sức bất ngờ. Người dân Thạnh Hóa vốn hiền lành quanh năm bám ruộng, bám vườn tìm kế sinh nhai. Ít ai có thể nghĩ sẽ phải dùng đến xăng, gas, acid, dao, búa để chống lại đoàn cưỡng chế. Đất là đất công nay bị thu hồi mà được đền bù là quá tốt rồi nhưng 3 gia đình này cạn nghĩ. Hơn nữa dự án nhằm xây dựng công trình công công phục vụ lợi ích cộng đồng".

Trần Chánh Nghĩa