Liên quan đến vụ trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi mất tích tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết hiện nay (sau 2 ngày tìm kiếm), cơ quan chức năng và bệnh viện vẫn chưa có chút manh mối nào về cháu bé cũng như người phụ nữ đã mang cháu đi.

Chưa có manh mối nào

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết hiện nay bệnh viện vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bên cơ quan cảnh sát điều tra để dò tìm các manh mối, đồng thời đưa ra những phân tích, nhận định về các hướng có thể xảy ra.

Hiện nay, các hướng điều tra đang được nhắm vào nhiều nhất là: Hoặc cháu bé bị bắt cóc do mâu thuẫn, trả thù cá nhân; hoặc cháu bé bị những kẻ bắt cóc chuyên nghiệp bắt để thực hiện hành vi buôn bán trẻ em.

Ngay sau khi vụ việc chưa từng có này xảy ra trong suốt 55 năm thành lập, công tác an ninh trật tự tại bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được siết chặt.
Trong bệnh viện có nhiều người mặc áo blouse nhưng không phải tất cả đều là bác sỹ, y tá thực sự. Nếu kẻ gian cũng khoác áo blouse thì không khó để qua mắt người bệnh (Ảnh chụp tại BV Phụ sản Trung ương. Ảnh: Cẩm Quyên)
Sáng 4/11, bệnh viện này cũng đã có buổi làm việc với gia đình sản phụ Trần Thị Thơm (34 tuổi, quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên) để xem xét lại toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối. Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã mời tất cả cán bộ y tế của bệnh lên để làm việc.

Ông Vũ Quốc Việt, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết việc quản lý, giám sát trẻ sơ sinh là không dễ.

Nguyên nhân là vì mỗi ngày bệnh viện mở cửa hai lần (vào buổi trưa và buổi tối, mỗi lần mở vài tiếng) để người nhà bệnh nhân vào thăm. Vào những giờ này, bệnh viện không hạn chế số người vào thăm bệnh nhân và khi vào viện thăm người bệnh, người nhà bệnh nhân không trải qua bất kỳ thủ tục kiểm tra nào.

Đây được cho là lý do khiến những người có mục đích xấu có thể trà trộn vào và thực hiện những hành vi phạm pháp bằng các chiêu thức khác nhau. Trên thực tế, sản phụ Trần Thị Thơm đã mất con vì tưởng người vào bế con đi tắm là y tá của bệnh viện (vì người phụ nữ bế đứa trẻ đi cũng mặc áo blouse như cán bộ y tế thật).

Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Quốc Việt cũng cho biết bệnh viện có trách nhiệm trong vụ việc này nhưng trách nhiệm đến đâu phải do các cơ quan luật pháp xác định rõ ràng. Trước mắt, bệnh viện ưu tiên phối hợp với cơ quan điều tra để tìm ra cháu bé sớm nhất có thể, đồng thời kiện toàn công tác an ninh để không có sự việc tương tự tái diễn.

Nhiều sản phụ hoang mang vì kiểm soát an ninh lỏng lẻo

Sau khi thông tin về sản phụ Trần Thị Thơm mất con chỉ 2 ngày sau khi sinh, rất nhiều sản phụ tỏ ra hoang mang, lo sợ. Nhiều người cho rằng nếu bệnh viện có hệ thống camera họat động thường xuyên ở mọi góc thì có thể tìm ra được cháu bé nhưng hiện nay không phải bệnh viện nào cũng trang bị đến mức độ này.

Thắc mắc về việc tại sao có thể đưa một đứa bé ra ngoài bệnh viện một cách dễ dàng như vậy (không có bất kỳ giấy tờ gì), nhiều bạn đọc cho rằng có thể có 2 lý do.

Thứ nhất do kẻ gian cũng mặc áo blouse y như bác sỹ, y tá nên không ai nghi ngờ. Thứ hai là nhiều người sẵn sàng ra viện trước rồi sau đó mới quay trở lại để làm thủ tục, giấy tờ (giấy chứng sinh, thẻ BHYT, …) nên không ai giám sát việc này chặt chẽ.

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương - cũng thừa nhận rằng việc quản lý theo kiểu rà soát giấy tờ ở các cửa ra của viện rất khó thực hiện bởi ngày nào bệnh viện cũng chào đón hàng trăm cháu bé ra đời và cũng ngần ấy cháu bé ra viện. Nhiều trường hợp lại cẩn thận đến mức chọn ngày, chọn giờ ra viện nên họ không tuân theo ngày xuất viện mà bác sỹ ấn định.

Các bác sỹ của BV Phụ sản Trung ương đang chăm sóc các bé sơ sinh (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên)
Chị Kim Loan, một sản phụ từng sinh con tại bệnh viện Phụ sản Trung ương khi nghe thông tin này cũng khá hoang mang và công nhận rằng trẻ sơ sinh ra khỏi viện này khá dễ dàng. “Nếu kẻ gian còn gói kín cháu bé trong giỏ thì đúng là không ai có thể biết được”, chị nói.

Trong khi đó, tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các sản phụ từng sinh tại đây cho biết việc mang một cháu bé sơ sinh ra khỏi viện này không phải đơn giản cứ muốn là được.

“Khi tôi lên taxi về, có người nhà đi kèm hẳn hoi nhưng lúc qua cổng, bảo vệ chặn lại nhất định đòi xem được giấy chứng sinh của cháu rồi mới cho đi. Lúc đó chúng tôi nghĩ bệnh viện cẩn thận quá mức, thủ tục rườm rà nhưng nghĩ lại thì thấy đó là cách đề phòng bạn bắt cóc trẻ em”, chị Hoàng Lan, sản phụ từng sinh con tại bệnh viện phụ sản Hà Nội kể lại.

Theo chị Lan, quy trình này đáng ra càng phải được làm chặt tại bệnh viện Phụ sản Trung ương (dù khó cũng phải làm) bởi đây là bệnh viện tuyến cuối, rất đông bệnh nhân, hàng trăm người ra kẻ vào, mọi chuyện không thể lúc nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của những người quản lý. Vì thế, cần thiết lập hàng rào bảo vệ an toàn nhất có thể để phòng tránh rủi ro.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến của sự việc này.

Cẩm Quyên