Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V (TPHCM) - nơi cấp giấy đăng kiểm cho chiếc xe đầu kéo container gây tai nạn giao thông thảm khốc làm 5 người chết vào sáng 31/5 nói có thông tin cho biết chính phụ xe 15 tuổi là Võ Phạm Minh Nhân (quê vĩnh Long) mới là người cầm lái.

{keywords}
Hiện trường vụ xe container đầu kéo gây tai nạn làm 5 người tử vong rạng sáng 31/5

Tuy nhiên, nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này đang được cơ quan điều tra công an TPHCM làm rõ.

Phụ xe 15 tuổi bí ẩn

Trao đổi với Tiền Phong vào chiều 1/6, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-04V cho rằng vụ tai nạn nhiều khả năng là do lỗi người điều khiển xe lúc ấy xử lý tình huống không kịp.

“Thông thường khi xảy ra sự cố, tôi cho kiểm tra lại toàn bộ quá trình làm của mình. Lính của tôi đã kiểm tra và có thông tin là lúc xảy ra tai nạn, phương tiện do phụ xe 15 tuổi điều khiển, còn tài xế đang nằm nghỉ ở phía sau” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, qua kiểm tra, chiếc xe đầu kéo container mang biển kiểm soát 51C – 181.44 do chính lái xe Võ Văn Răng (48 tuổi, quê Vĩnh Long) mua lại cách đây khoảng một tháng chứ không còn là tài sản của Công ty TNHH MTV vận tải Thanh (xe chưa sang tên). Chiếc xe này nhãn hiệu International sản xuất tại Mỹ vào năm 1994, đến nay đã sắp hết “đát” (25 năm), phải thải loại. Xe được kiểm định lần gần nhất là vào ngày 2/3, hết hạn vào ngày 1/6.

Quy trình kiểm tra đối với xe đầu kéo container, phải kiểm định xe đầu kéo và sơ mi rơ-mooc, cấp hai giấy chứng nhận kiểm định riêng. Sơ mi rơ-mooc không thể tự hành nên phải dùng đầu kéo đưa đến trung tâm kiểm tra hệ thống điện, hệ thống dẫn động, khung gầm, vỏ lốp…

Còn xe đầu kéo kiểm định như xe cơ giới, bao gồm 5 công đoạn, tất cả các hệ thống (54 hạng mục), gồm: phanh, lái, gầm, tín hiệu, nhiên liệu,… Trung tâm lắp đặt camera theo dõi tất cả các khâu trong quy trình kiểm tra, kiểm định xe và truyền đến các màn hình đặt ở phòng chờ để người dân cùng giám sát. Dữ liệu được lưu trữ để khi cần thiết có thể truy xuất.

Nhưng vì sao nhiều xe đang trong thời hạn kiểm định vẫn xảy ra tình trạng mất phanh, mất lái? Theo ông Hải, xe đang trong thời hạn đăng kiểm nhưng nếu lái xe chở quá tải thì sự cố vẫn xảy ra.

Ông Hải dẫn chứng: Phương tiện chỉ có thể phanh với sức tải là 10 tấn, nếu chở 15 tấn thì má phanh không đủ lực để giữ. Diện tích bố phanh khi ép vào tăm-bua theo tính toán của nhà sản xuất chỉ ép được lực gia tốc của xe 10 tấn thôi. Chở quá tải, gia tốc lớn gấp nhiều lần thì chắc chắn phanh mất tác dụng.

Đường sá không phù hợp

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông nói nhiều người thường đi trên các tuyến quốc lộ cho biết cánh lái xe container chạy rất ẩu. Khi xe chở nặng, sợ lật xe, tài xế còn chạy theo làn. “Đến lúc trả hàng, chạy xe không tải thì lạng, lách như xiếc. Thấy phía trước có xe khác thì sẵn sàng chuyển làn để vượt lên” - ông Sanh nói.

TS Phạm Sanh cho rằng hạ tầng giao thông ở Việt Nam không phù hợp với xe đầu kéo container. Xe đầu kéo không được bố trí làn đường riêng. Dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp vừa có xe đầu kéo container, ô tô khách, xe tải nhỏ, ô tô con vừa có cả xe hai bánh… rủi ro rất lớn.

Ngoài ra, làn đường bố trí rất hẹp. Xe đầu kéo container lưu thông vừa đủ, trong khi xe đang chạy tạo ra xung động, lực hút có thể cuốn xe máy đang lưu thông trên làn đường bên cạnh vào gầm.

Theo TS Phạm Sanh, muốn giải quyết triệt để, cần phải có công nghệ hiện đại, luật và các quy định xử lý vi phạm, hình thức chế tài phải thật nghiêm. Việt Nam đã gắn thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô nhưng chỉ dùng đo tốc độ, kiểm tra khi có sự cố và làm theo dạng thủ tục báo cáo. Phải nâng cấp thiết bị hiện có, sao cho không chỉ chạy quá tốc độ mà xe lấn làn, lạng lách phải bị chấn chỉnh.

Ngoài ra, cần lắp đặt camera giám sát trên những tuyến quốc lộ, đường lớn. Xe chạy không đúng luật, chưa cần gây tai nạn, cơ quan quản lý nhà nước đã biết và ngăn chặn kịp thời. Băng hình còn là vật chứng khi sự cố xảy ra, phục vụ quá trình xử lý vi phạm.

TS Phạm Sanh đề xuất Bộ GTVT cần có biện pháp hạn chế dần xe đầu kéo container trên đường bộ. Vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hoá cồng kềnh, khối lượng lớn nên chuyển sang đường sắt, đường thủy. Xe container nên quy hoạch những tuyến đường dành riêng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đặc biệt.

Trước mắt nếu chưa hạn chế được thì phải phân làn riêng cho xe container và làn xe phải đủ rộng. Những tuyến đường trung tâm, đông phương tiện lưu thông cần phải hạn chế thời gian lưu thông của xe đầu kéo container.

Tài xế lại khai “đạp nhầm chân ga”

Nguồn tin từ công an cho hay, tài xế Võ Văn Răng (SN 1967) lại khai báo đã đạp nhầm chân ga dẫn đến việc xe lao lên tốc độ cao gây tai nạn. Trong khi trước đó ông Răng khai rằng khi đổ dốc cầu, ông phát hiện xe tải ở phía trước đang chạy chậm nên đã đánh lái sang phải và phanh nhưng dường như xe bị mất thắng.

(Theo Tiền phong)