Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề săn và chế biến thịt rắn, ông Nguyễn Đặng Pháo cũng có đến hơn 40 năm gắn với loài Tỵ. Nếu không được biết trước, chắc chẳng ai tưởng tượng nổi ông lão gần 80 tuổi này đã từng kiếm về hàng bao tải tiền nhờ nọc rắn đông khô.

Sống nhờ rắn, chết cũng vì rắn

Đến làng Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội) hỏi về người có tay nghề kì cựu nhất, ai ai cũng nhắc đến “ông vua rắn độc” Nguyễn Đặng Pháo. Theo lời dân làng, ông Pháo không những là người giỏi nhất trong việc bắt rắn mà còn có tài lấy nọc làm thuốc. Cũng một phần nhờ công của ông mà các bác sĩ đã bào chế thành công huyết thanh kháng nọc nổi tiếng Thế giới.

{keywords}

Ông “vua rắn độc” tuy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn.

Nói về nghề truyền thống của làng, ông Pháo chậm rãi: “Đến mùa, đàn bà ở nhà làm cỏ, bón phân, còn đàn ông đổ xô đi bắt rắn, bắt ếch để kiếm sống. Người làng này giỏi lắm, chỉ cần nhìn là biết đâu là hang rắn, đâu là hang cua, hang chuột. Nhiều người “cao thủ” đến mức lần theo đường rắn đi mà thò tay vào hang bắt trúng ngay. Nhưng hiện nay, những người thức thời đều chuyển sang kinh doanh nhà hàng cả”.

Chấp nhận “ăn ngủ cùng rắn”, người dân Lệ Mật cũng chấp nhận cả những nguy hiểm, rủi ro thường trực. Trong trí nhớ của ông Pháo, đã có rất nhiều người trong làng bị rắn cắn đến cụt tay, cụt chân…thậm chí phải bỏ mạng. Bản thân ông đã 7 lần bị loài rắn độc như cạp nong, cạp nia cắn, 2 lần đối mặt với vết cắn của hổ mang.

{keywords}

Rắn là con vật giúp làng Lệ Mật “thay da đổi thịt” nhanh chóng.

“Theo kinh nghiệm của riêng tôi, ở đồng bằng Bắc Bộ có 3 loại rắn cắn chết người: hổ mang, cạp nong và cạp nia. Trường hợp bị hổ mang cắn tuy nhiều nhưng không thể chết ngay, có thể cứu sống được vì nọc phát tán chậm”.

“Nguy hiểm nhất là con cạp nia và cạp nong. Răng của chúng rất ngắn, khi cắn vào người hầu như không có cảm giác gì. Nhưng chỉ khoảng 2, 3 tiếng sau, nọc độc bắt đầu chạy dọc cơ thể, làm cho khó thở, ức chế đường hô hấp, mắt díp chặt và cấm khẩu. Để lâu thêm tí nữa, nọc tiếp tục chạy lên óc là vô phương cứu chữa”, ông Pháo chia sẻ

Dù đã hàng chục năm trôi qua, nhưng khi nhớ lại lần đầu tiên và cũng là lần nặng nhất bị cạp nia cắn, ánh mắt ông “vua rắn độc” vẫn còn thoáng chút hốt hoảng. “Lần đó tôi suýt rụng mất ngón tay trỏ. Vừa nhận ra bị cắn, ngay lập tức tôi lấy dao rạch một đường sâu rồi cứ thế ngâm tay vào nước nóng. Vừa bóp, tôi vừa ra sức lấy sống dao miết dọc phần ngón tay đến khi nát hết thịt mới thôi”.

{keywords}

Trên tay ông Pháo vẫn còn nhiều vết sẹo do bị rắn cắn.

“Đêm đó, tôi đã cảm nhận được cái chết cận kề khi quai hàm cứng chặt, nôn mửa, đầu óc quay cuồng. Nhưng có lẽ nhờ vào bài thuốc mà bà con trong làng mách, hôm sau tôi dần trở lại bình thường”, ông kể lại.

Bắt rắn “nhả” ra vàng

Nhờ có chút kiến thức về ngành y, ông Pháo biết nọc rắn là loại tinh dược tuyệt vời, có thể chữa được nhiều căn bệnh nan y và những căn bệnh về xương cốt, về tình dục... “Ban đầu, gia đình tôi cung cấp miễn phí nọc rắn cho các nhà khoa học. Đến năm 1962, tôi lên trang trại rắn ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nuôi các loại rắn độc để lấy nọc cung cấp cho Viện sinh học bào chế thuốc”.

“Đến khoảng những năm 1991 – 1993, khi nhu cầu bào chế dược liệu từ nọc rắn đông khô ở các nước ngày càng tăng, tôi mới chính thức ký hợp đồng, chiết xuất nọc rắn bán cho Bộ Y tế. Thời đó, mỗi chuyến hàng phải thu về cả bao tải tiền, chẳng thể đếm xuể. Tôi mua đất, mua nhà rồi gửi ngân hàng tiết kiệm. Thấy tôi có đồng ra đồng vào, nhiều người trong làng cũng đua nhau mang nọc rắn bán” - ông Pháo cho biết.

{keywords}

Nọc rắn ông Pháo còn giữ lại.

Đem lại nguồn thu nhập “khủng”, nhưng công việc chiết xuất nọc rắn cũng chẳng hề dễ dàng. Rắn ở miền Bắc vốn nhỏ, chỉ được khoảng 3, 4 lạng một con. “Tôi cho rắn cắn vào miệng cốc, khẽ nhay, bóp nhẹ đầu nó để nọc độc tiết ra từ 2 răng độc ở hàm trên. Hồi đó, 1 gam nọc đông khô trị giá 280 ngàn, tương đương khoảng 2 chỉ vàng. Để có được 100cc nọc rắn chiết xuất thành 35 gam khô, tôi phải tự tay lấy từ gần 200 con”.

Về sau, cũng chính ông Pháo là người cung cấp nọc rắn cho TS. Bác sĩ Trịnh Xuân Kiểm – nguyên Trưởng khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy để chế ra huyết thanh kháng nọc nổi tiếng Thế giới. “Trước đây người làng bị rắn cắn thì thường dùng thuốc lá, thuốc Tây do tôi tự chế. Bản thân tôi tuy cứu sống được không ít người, nhưng cũng có những trường hợp rủi ro mà vẫn tử vong. Nhưng giờ, chỉ cần 1 liều huyết thanh là chắc chắn bảo vệ được tính mạng”, ông “vua rắn độc” hào hứng tâm sự.

{keywords}

Cũng nhờ rắn, làng Lệ Mật kết hợp kinh doanh - du lịch đem lại thu nhập lớn cho nhiều gia đình.

Cách đây không lâu, nhiều người còn truyền tai nhau uống rượu nọc rắn rất bổ, vừa giúp tăng cường sinh lực, vừa thể hiện phong cách, bản lĩnh đàn ông. Tuy nhiên, ông Pháo phủ nhận điều này: “Nọc rắn vốn là chất độc bảng A. Nếu dùng đúng sẽ đem lại những hiệu quả không ngờ. Nhưng nếu sử dụng bừa bãi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Vào đến cơ thể, nọc sẽ phá dạ dày, làm người uống chảy máu mà chết”.

(Theo Dân trí)