Chị Phạm Thị Ngọc Hà (36 tuổi, Wellington, New Zealand) là người rất yêu thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Chị thích được sống ở những ngôi nhà bình yên, nhiều hoa như trong phim ảnh. Năm 2017, được chuyển về ngôi nhà mới, chị Hà rất hứng khởi. Chị cùng chồng bắt tay cải tạo khu vườn như mong muốn của riêng mình .

Căn nhà mới hoàn toàn trống trơn, vườn tược chỉ có vài cây dại. Đất đai khô cằn, chứa nhiều sỏi đá, rác thải vật liệu xây dựng. Vậy nên chị Hà đã vạch ra bản vẽ nhằm phân chia, cải tạo vườn thành các khu vực trồng cây, hoa cho phù hợp.

Tay không cải tạo mảnh vườn sỏi đá

Tự nhận mình không có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chị Hà phải học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ mẹ ruột của mình. Mẹ chị vốn là người rất giỏi việc vườn tược và có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây cối.

{keywords}
Chị Hà đã có vườn hồng như mơ ước.

Thời gian đầu có mẹ sang thăm và hỗ trợ, công việc cải tạo vườn của chị Hà nhàn hơn rất nhiều.

Đối với chị, công cuộc cải tạo vườn không hề đơn giản, thậm chí rất vất vả. Nhưng với tình yêu thiên nhiên, có khó mấy chị cũng không ngại.

Dưới cái nắng của mùa hè New Zealand, chị Hà và mẹ đội nón lá, mặc đồ chống nắng, bịt kín mặt xới đất, tay không lọc bỏ từng viên sỏi. “Nhiều hôm ngồi xổm nhặt sỏi lưng đau đến ê ẩm, hai mẹ con vẫn cố gắng”, chị Hà kể.  

Khi vườn đã vơi bớt sỏi đá, chị Hà mua bổ sung đất chuyên dụng. Sau khi đào các hố đất sẽ đi rải phân bón dưới từng gốc. Chị còn thuê nhiều chuyến xe chở mủn vỏ cây về. Các bao nằm la liệt trước sân nhà. Chị Hà tự xúc chất đầy xe đẩy, mang rải đều trên bề mặt đất trồng nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng, giữ ẩm cho cây.

{keywords}
Những khóm hồng ngào ngạt hương thơm

Riêng khu vực thảm cỏ, sỏi đá lợn cợn hầu như không thể loại bỏ, cỏ dại còn mọc nhiều. Ban đầu, chị nhổ cỏ dại bằng tay vì không muốn đất ngấm chất hóa học. Nhưng vì có nhiều loại “cứng đầu’’, bám sâu và lan rộng xuống lòng đất nên cuối cùng chị phải sử dụng đến thuốc diệt cỏ. Phải mất đến 3 năm, thảm cỏ mới mọc xanh mượt, ưng ý.

Chị Hà bộc bạch: “Để có khu vườn rực rỡ như ngày hôm nay, mẹ mình chính là người đầu tiên xây dựng nền móng vững chãi. Ngay cả khi đã về Việt Nam, bà vẫn thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn mình cách chăm vườn”.

Qua đó, chị Hà lại có thêm nhiều kinh nghiệm chăm hoa. Vào mùa lạnh, hoa hồng ngủ đông nhưng vẫn phải tỉa cành, bón phân, phun thuốc nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây khi sang xuân. Các cây hồng thân to, bao phủ rộng, gai mọc tua tủa khiến chị nhiều lần bị cào rách mũ, quần áo, găng tay khi cắt tỉa. Khi xuân về, hồng chớm nở nụ non, nhìn rất bắt mắt.

{keywords}
Chị Hà coi đây là tài sản tinh thần vô giá

Chị tự chế hỗn hợp nước, dung dịch nước rửa bát và dầu neem, xịt 2 tuần/lần để tránh sâu bọ, giúp bông nở không bị dị dạng. Hoa hồng nở liên tục từ mùa xuân cho đến mùa thu. Sau mỗi đợt hoa sẽ cắt bỏ bớt cành tàn để cây phát triển trông đồng đều hơn.

Mùa hè ở New Zealand dù nhiệt độ nền không quá cao nhưng nắng gắt, ít mưa. Chị Hà tưới nước đều đặn vào mỗi buổi chiều hoặc sáng sớm. Sau này, chị lắp đặt thêm hệ thống máy phun nước để việc chăm vườn đỡ cực hơn.

Nhờ nỗ lực của bản thân, được ông xã giúp, đam mê của chị đã thành hiện thực. Sau hơn 4 năm, cành hồng đã vươn cao, phủ kín hoa khiến chị rất hài lòng.

Vườn hồng cổ tích ai đi qua cũng muốn dừng chân ngắm nhìn

Hiện tại, vườn hồng nhà chị Hà đang “thời con gái”, đâm bông rực rỡ. Không chỉ trồng hoa hồng, chị còn trồng xen kẽ, đa dạng các loài như mẫu đơn, anh đào, cúc, cẩm tú cầu, thủy tiên, thược dược…và nhiều giống hoa, cây xanh đặc trưng xứ người.

{keywords}
Hoa hồng đang độ nở rộ, ai đi qua cũng phải đứng lại ngắm nhìn.

Tuy công việc bận rộn, còn chăm con nhỏ nhưng chị và ông xã vẫn cố gắng chăm sóc vườn mỗi tuần một lần. Đến khi hồng vào vụ hay bước vào thời gian quan trọng, anh chị sẽ dành nhiều thời gian hơn.

"Mát tay" trong việc trồng trọt, vườn hồng của chị Hà suốt 4 mùa đều rực rỡ, ong bướm bay lượn khắp nơi, hương thơm tỏa ngào ngạt. Bất cứ ai đi qua đều dừng chân ngắm nhìn, khen ngợi.

{keywords}
Vườn hồng đẹp như khu vườn cổ tích

Vườn hồng được xem như thú vui, hạnh phúc, niềm tự hào của chị Hà. Mỗi ngày chị đều dành ít nhất 1 tiếng ra vườn thưởng hoa, nghe tiếng chim ca.

“Mình cảm thấy như đang được sống trong những giấc mơ. Vườn hồng chính là tài sản tinh thần vô giá của mình. Nơi đây chứa đựng nhiều tình cảm, kỷ niệm đẹp. Đây là nơi mình xây dựng tổ ấm, là nơi con gái mình khôn lớn từng ngày. Đây cũng chính là nơi có bóng dáng mẹ lom khom làm vườn”, chị Hà chia sẻ.

Thanh Anh

(Ảnh: NVCC)

Giám đốc bỏ phố về làng, cải tạo nhà đổ nát để trồng rau, sống an yên

Giám đốc bỏ phố về làng, cải tạo nhà đổ nát để trồng rau, sống an yên

Sau khi chọn cuộc sống ở làng quê, người đàn ông cùng các thành viên trong gia đình biến nhà đổ nát thành không gian sống xanh với vườn rau trên cao.