Đây là vắc xin Covid-19 thứ 3 được WHO cấp phép sử dụng. Hai loại vắc xin Pfizer và AstraZeneca nhận được sự ủng hộ của WHO nhưng cần tới 2 liều cho lộ trình chủng ngừa.
Theo đó, vắc xin của Johnson & Johnson sẽ được phép sử dụng ở tất cả các quốc gia. Đây là cơ sở để dược phẩm này có thể phân phối dễ dàng theo kênh Covax - cơ chế giúp các nước đang phát triển có thể tiếp cận vắc xin Covid-19.
Quyết định trên được đưa ra 1 ngày sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu khuyến nghị sử dụng vắc xin một liều cho khu vực này.
“Mỗi công cụ mới, an toàn và hiệu quả chống lại Covid-19 là một bước tiến gần hơn để kiểm soát đại dịch”, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuyên bố.
“Nhưng niềm hy vọng từ các công cụ này sẽ không thành hiện thực trừ khi vắc xin được cung cấp cho mọi người ở tất cả các quốc gia”.
WHO sẽ triệu tập nhóm cố vấn chiến lược gồm các chuyên gia tiêm chủng vào tuần tới để đưa ra những khuyến nghị về việc sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson.
WHO cũng ca ngợi các ưu điểm của loại vắc một liều và điều kiện thuận lợi cho công tác hậu cần tiêm chủng.
Theo Cố vấn cấp cao của WHO, Bruce Aylward, vắc xin Johnson & Johnson không cần dây chuyền cực lạnh, phù hợp với một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Covax đã đạt được thỏa thuận nhận 500 triệu liều của Johnson & Johnson. Tổ chức này hy vọng có thể tiếp cận nguồn dược phẩm này vào tháng 7 hoặc sớm hơn.
Công ty Johnson & Johnson dự kiến từ giờ tới cuối năm sẽ cung cấp 1 tỷ liều vắc xin và sản xuất 3 tỷ liều vào năm tới.
An Yên (Theo Reuters)
Hơn 5.200 người đã tiêm vắc xin Covid-19, 12 người có phản ứng mức độ 2-3
Sau 5 ngày thực hiện tiêm vắc xin Covid-19, Việt Nam đã tiêm được hơn 5.200 người tại 12 tỉnh, thành phố.