Anh Dũng nhẹ nhàng giải thích cho con: Thứ nhất, chỗ này không có thùng rác để bố vứt vỏ kẹo được. Thứ hai, giữ lại vỏ để khi ăn xong thì có thể bọc bã kẹo lại không dây dính ra thứ khác, rồi vứt vào thùng rác sẽ vệ sinh hơn.

Dạy con từ những điều nhỏ nhặt

Thực tế những bài học về thói quen và ý thức bảo vệ môi trường được thế hệ trẻ như anh Dũng dạy con hiện nay rất phổ biến. Thế hệ 8X trở đi được ăn học tốt hơn và có điều kiện chú ý hơn đến những “tiểu tiết” như vậy, nên những khu vực có đông người trẻ sinh sống hoặc khu chung cư tạm gọi là dân trí cao thì câu chuyện vứt rác bừa bãi hầu như không xuất hiện.

6 xa rac van minh.jpg
Giới trẻ xả rác và thu gom rác sau các sự kiện tập trung đông người luôn là đề tài gây tranh trãi sau khi sự kiện qua đi. 

Theo chuyên gia tâm lý học Mai Văn Hải (Viện Tâm lý, Viện KHXH Việt Nam): Ý thức hay thái độ sống bắt đầu từ nhận thức của mỗi người, trẻ em được dạy dỗ từ sớm thì càng có ý thức và trách nhiệm sống. Vứt rác đúng nơi quy định, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, văn minh trong ứng xử giao tiếp hay chuyên nghiệp trong công việc… là những đức tính tốt giới trẻ hiện nay có điều kiện trau dồi, dạy dỗ tốt hơn những thế hệ trước đây - thế hệ còn đang bận mải chiến tranh hay vất vả với đói nghèo.

Tuy nhiên, TS Mai Văn Hải cũng thừa nhận không phải bạn trẻ nào cũng có ý thức cộng đồng và câu chuyện người trẻ sống vô tổ chức trong thời đại 4.0 hiện nay cũng không hiếm. Những cá nhân đơn lẻ đi ngược lại nếp sống văn minh lại càng trở lên phản cảm hơn nếu so sánh cùng hành động ấy với những người lớn tuổi hơn họ. Ví dụ, cùng là vứt rác ra đường, với người cao tuổi thì đó là thói quen xấu không gương mẫu do lớp người này đa phần không được giáo dục từ nhỏ, nhưng với giới trẻ thì đó là thái độ cố chấp và bất cần. Sự tùy tiện của một số bạn trẻ trong lối sống nói chung, chuyện vứt rác bừa bãi nói riêng ở đâu đó là ví dụ điển hình của tâm lý này.

Hãy để giới trẻ văn minh ngay từ chuyện… vứt rác

Nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học đám đông, TS Mai Văn Hải ví dụ chuyện giới trẻ xả rác và thu gom rác sau các sự kiện tập trung đông người. Ví dụ, sau các trận bóng đá hay show diễn âm nhạc ống kính truyền hình sẽ bắt gặp các nhóm bạn trẻ tự động đi thu gom rác thải trên các ghế ngồi, lối đi trên sân vận động. Hình ảnh đẹp này xuất hiện ngày càng nhiều và được chính những người vốn có thói quen vứt rác bừa bãi cũng cảm thấy xấu hổ, dần thay đổi được hành vi xấu của mình khi tham dự các sự kiện văn hóa thể thao lần sau.

Nhưng cũng ở những sự kiện tương tự, ví dụ sau các đêm bắn pháo hoa ở các khu vực tập trung (quảng trường, vườn hoa, nhà văn hóa…), rác thải lại tràn ngập, cây cỏ bị giẫm nát và ý thức của người trẻ lại bị réo gọi rằng… không văn minh, điểm trừ văn hóa, nỗi buồn thế hệ... Thực tế có đáng nặng nề như vậy không? – TS Hải đặt vấn đề, rồi tự đưa ra giải đáp: Thực tế có 3 lí do rác thải ở 2 nhóm sự kiện trên, nơi được thu gom và nơi thì không là vì, ở các sân bóng thì việc thu gom dễ dàng hơn và giới trẻ họ đồng lòng thực hiện. Còn ở các sự kiện như bắn pháo hoa, dù các bạn trẻ muốn thu gom thì cũng… không làm nổi.

“Khi một lượng người quá đông tập trung tại những không gian nào đó thì cây cỏ bị giẫm nát, rác quá tải so với số ít ỏi các thùng rác được bố trí là điều không quá khó hiểu. Đặc biệt, hiệu ứng đám đông được lan tỏa để mỗi người sau sự kiện sẵn sàng cúi xuống nhặt những rác thải mà tay mình vừa “lỡ” vứt xuống, rồi thu gom bỏ vào các thùng rác tập trung là khó khăn hơn. Vì thùng rác không có hoặc ở quá xa, số người thực hiện việc thu gom rác sẽ trở lên “nhỏ bé” trước rừng người coi việc làm ấy (vứt rác xuống đường) là thừa thãi, nên câu chuyện rác thải tràn ngập sau các đêm bắn pháo hoa là vậy”, TS Hải nhìn nhận.

Và để “giải” tình trạng (vứt rác bừa bãi sau các sự kiện tập trung đông người) này, TS Hải cho rằng, nên tập trung vào 3 giải pháp: 1-Bố trí đủ số thùng rác tại các sự kiện đông người, để người dân “có nơi để vứt rác”; 2-Tập trung tuyên truyền cho người dân (dán các biển cảnh báo, nhắc nhở bằng loa phát thanh, thậm chí lắp camera xử phạt những người cố tình vi phạm); 3-Thông báo những quy định cho người tham gia sự kiện tuân thủ nội quy, hướng dẫn người dân xả rác đúng nơi quy định; thông tin tìm kiếm nhà vệ sinh, thùng đựng rác, trạm y tế hay và lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố (cháy nổ, tai nạn…).

“Nếu làm được như vậy thì không chỉ chuyện rác thải mà ngay cả các thảm họa về giẫm đạp, cháy nổ hay mất an ninh trật tự sẽ được loại trừ”, TS Hải tự tin.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV