Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Ngày 22/12, Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn và Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT phối hợp tổ chức hội nghị công bố kết quả giai đoạn 1 chuyển đổi số xã Vi Hương.

Cùng với 7 xã khác trong cả nước, từ giữa năm 2020, triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ xã Vi Hương thí điểm chuyển đổi số. Mục tiêu đặt ra là ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Vi Hương là một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bạch Thông, cách trung tâm huyện 5 km. Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.087 ha, xã Vi Hương có 9 thôn với 622 hộ, 2.626 nhân khẩu gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống. Người dân Vi Hương sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, với thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

{keywords}
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn Hà Văn Tiến nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và những nơi đi trước, đi nhanh sẽ thu được thành quả.

Tại hội nghị, nói về lý do đề xuất chọn xã này tham gia thí điểm chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn Hà Văn Tiến cho hay: “Vi Hương là xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chưa phát triển nhưng cấp ủy, chính quyền xã có khát vọng lãnh đạo để người dân trong xã phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có truyền thống thật thà, chất phác, ham học hỏi, cầu tiến và có ý chí vươn lên”.

Theo ông Tiến, sau khi các đơn vị thống nhất các mục tiêu cho chuyển đổi số ở Vi Hương giai đoạn 1 cả về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, UBND xã Vi Hương đã ra Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số của xã, quán triệt đến các cán bộ, đảng viên để thực hiện.

Để hỗ trợ người dân Vi Hương trong quá trình chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng số tại xã đã được nâng cấp theo hướng hoàn thiện mạng nội bộ LAN, cung cấp Wi-Fi miễn phí phủ sóng tại các khu vực trung tâm xã và điểm Bưu điện văn hóa xã để nhân dân đến giao dịch, khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ công; gồm 1 đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao 100Mbps và 1 thiết bị phát Wi-Fi phục vụ 50 người dùng đồng thời.

Kết quả bước đầu tích cực

Bí thư Đảng ủy xã Vi Hương Nguyễn Văn Hoán cho biết, với việc triển khai nhiều hoạt động, đến nay xã đã có những chuyển biến tích cực trong công cuộc chuyển đổi số, từ hoạt động của chính quyền đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong mọi mặt đời sống của xã.

{keywords}
Xã Vi Hương hiện đã có trang thông tin điện tử riêng để người dân tra cứu, cập nhật thông tin trong địa bàn.

Các phần mềm tài chính kế toán, quản lý tài sản, quản lý nhân sự được đưa vào ứng dụng. UBND xã cũng đã triển khai hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Xã đã có trang thông tin điện tử riêng để người dân tra cứu, cập nhật thông tin trong địa bàn.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng số văn bản điện tử đến là 3.019 văn bản; tổng số văn bản đi được ký số chuyên dùng đúng quy định là 386 văn bản, đạt tỷ lệ 100%. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không có tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản.

Đồng thời, xã đã thiết lập hệ thống một cửa điện tử, cho phép tìm kiếm thông tin hồ sơ một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, công khai hóa các thủ tục xử lý, cho phép tải về các mẫu hồ sơ. Theo thống kê, từ đầu năm đến 10/11/2020, đã có 692 hồ sơ xử lý trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử, so với năm 2019 tăng 614 hồ sơ.

Xã cũng đã có 11 điểm loa không dây, sử dụng nền tảng “Text-2-speech” sóng FM để thông minh hóa. Chỉ cần một cán bộ xã soạn chương trình phát thanh, nội dung cần thông báo dưới dạng văn bản, sử dụng Vbee, chuyển văn bản thành giọng đọc, chọn thời gian phổ biến tới người dân mà không cần phát thanh viên.

Trong giao tiếp với người dân, lãnh đạo xã Vi Hương đã lập nhóm trên Zalo để thảo luận, trao đổi giữa lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã với các trưởng thôn, giữa các trưởng thôn với người dân trong xã.

Về kinh tế số, Vi Hương đã tập trung chuyển đổi số cho Hợp tác xã Thiên An nhằm lấy hiệu quả chuyển đổi số của Hợp tác xã này để nhân rộng, kích thích chuyển đổi số trong toàn xã.

Sau 4 tháng triển khai, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An Lý Thị Quyên cho biết đơn vị đã đạt được một số thành quả: “Sản lượng bán hàng trước đây của Thiên An từ 4-5 đơn hàng nay tăng mỗi ngày lên 20-25 đơn hàng. Nhờ đó, thu nhập của thành viên Hợp tác xã cũng tăng đáng kể, từ mức 1,5-2 triệu đồng/tháng lên mức trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng”.

Vi Hương cũng đã quan tâm đến chuyển đổi số y tế và giáo dục. Các trường học tại xã đã triển khai Cổng thông tin điện tử Vnedu.vn, phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm phổ cập giáo dục và dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS. Trạm y tế xã đã được thông minh hóa bằng việc trang bị hệ thống Telehealth, giúp người dân được khám chữa bệnh từ các chuyên gia đầu ngành.

Đưa Vi Hương trở thành xã thông minh mẫu

Đánh giá về kết quả trên, Phó chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Nguyễn Duy Luân bày tỏ, kết quả đạt được là rất quan trọng song mới là bước đầu, sắp tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Ông Luân cũng đề xuất, để chuyển đổi số thành công đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức và mỗi người dân Vi Hương trước hết phải đổi mới chính mình, thống nhất nhận thức cho đúng, đủ về chuyển đổi số; tích cực tích lũy kiến thức về CNTT, hướng đến 100% công dân Vi Hương là những công dân điện tử…

{keywords}
Xã thí điểm chuyển đổi số đầu tiên công bố kết quả giai đoạn 1

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường nhận định, thành công về chuyển đổi số của Vi Hương sẽ khiến việc nhân rộng chuyển đổi số cho các xã khác trong huyện Bạch Thông trở nên khả thi. Kết quả của xã Vi Hương không chỉ dừng lại ở việc khích lệ các xã khác trong tỉnh Bắc Kạn nói riêng, các địa phương khác trong cả nước nói chung mà mở rộng ra là cả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tạo niềm tin việc chuyển đổi số chắc chắn sẽ làm được và sẽ thành công.

Trong giai đoạn tới, ông Đường đề nghị Vi Hương chủ động hơn nữa để đẩy mạnh triển khai một số việc hiện chưa làm; đồng thời hợp tác chặt chẽ với 3 doanh nghiệp có “chân rết” xuống tận các xã là Viettel, VNPT và VietnamPost để thúc đẩy các dịch vụ số.

“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng với quyết tâm của lãnh đạo xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, sự hỗ trợ tích cực của Sở TT&TT, UBND tỉnh, Vi Hương sẽ trở thành xã thông minh mẫu để cả nước đến học tập”, ông Đường nói.

Vân Anh

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.