Chưa thông suốt từ trên xuống dưới
Để chuẩn bị xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa 13 - nhiệm kỳ 2011-2016, trong hai ngày 16 và 17 tháng 6, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo để các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đóng góp ý kiến tham gia vào định hướng hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa 13 và những vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thu Trang |
Chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành đã được phân định rõ ràng hơn. Nếu 10 năm trước có tới 108 vấn đề chồng chéo lẫn nhau, thì đến nay chỉ còn một số lĩnh vực phân công chưa đủ rạch ròi, còn đan xen, giao thoa, trùng dẫm.
Chẳng hạn, việc quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, các nguồn nước, công tác thủy lợi, năng lượng, giao thông. Phân công, phân cấp thực hiện đại diện chủ sở hữu đối với DNNN vẫn chưa đủ rõ ràng và có quá nhiều chủ sở hữu.
Đây là những vấn đề đan xen, giao thoa vẫn còn chưa được giải quyết.
Việc thành lập các cục, tổng cục là cần thiết đối với Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng bước đầu còn có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giữa Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với các cơ quan quản lý chuyên ngành trực thuộc và lúng túng trong triển khai thực hiện giữa Trung ương và địa phương.
Sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm sự thống nhất, thông suốt về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính từ trên Trung ương xuống dưới địa phương. Thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, rườm rà, chậm trễ. Kỷ luật, kỷ cương vẫn chưa nghiêm. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu vẫn còn nghiêm trọng trong thực thi công vụ. Hệ thống hành chính trên nhiều mặt vẫn chưa theo kịp yêu cầu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khắc phục chồng chéo và chia
cắt
Để khắc phục những khó khăn trên, các nhà cải cách đặt ra mục tiêu xây dựng cơ
cấu tổ chức Chính phủ khoá 13 tinh gọn, hợp lý, linh hoạt hơn và chủ động ứng
phó với các vấn đề có tính toàn cầu.
Dựa trên cơ sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đổi mới phương thức vận hành của bộ máy Chính phủ phù hợp với những yêu cầu của kinh tế thị trường để sắp xếp cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó, sẽ điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ nói chung các Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực đối với những ngành, lĩnh vực có mối quan hệ liên thông. Tổ chức bộ đa ngành với quy mô hợp lý, phù hợp với trình độ của cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế đòi hỏi.
Nhằm khắc phục sự chồng chéo và tình trạng chia cắt giữa các cơ quan quản lý, Chính phủ sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của bộ máy. Tập trung xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân như trách nhiệm Chính phủ, trách nhiệm Thủ tướng, các bộ trưởng...
Chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện để giao cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đảm nhận.
Sắp tới, bộ máy nhà nước sẽ vừa giữ sự ổn định cơ bản như hiện nay, vừa xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ theo yêu cầu tổ chức nào xét thấy cấp thiết thì thành lập mới hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và đổi tên để đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước; tổ chức nào chưa hợp lý hoặc không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ thì cần phải sắp xếp lại cho tinh gọn, hợp lý.
Về tổ chức chính quyền địa phương, ban soạn thảo đề xuất cần nghiên cứu, phân định lại Chính phủ phê chuẩn Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thay cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương, gồm: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Từ đó, Chính phủ có chức năng quản lý, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
-
Lê Nhung