Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Xắt khúc sông Ba của tác giả Đinh Gia Cư.

Đã bao đời nay, người Ba Na, người Jrai, và sau này là người Kinh ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai họ đã đúng và luôn đúng khi chọn giải pháp “cận giang” bên dòng sông Ba huyền thoại. Không chỉ gắn với đời sống tâm linh, huyền bí giúp họ an yên về văn hóa tinh thần, dòng sông này còn  giúp họ có thêm kế sinh nhai bền vững. Nơi ấy, tôi đã đến và đi. Đến để cảm nhận muôn vàn những cảnh đẹp hùng vĩ, để tìm hiểu, sẻ chia những gì tốt đẹp từ mắt thấy, tai nghe… nhưng khi đi lại mang theo cả nỗi buồn và càng buồn hơn mỗi khi nhắc đến những sự cố xảy ra hằng năm. 

song ba.jpg
Đôi bờ sông Ba ở nơi gần tiếp giáp với biển, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh Việt An/Dân Việt

Huyền thoại, kỳ tích 

Là một trong những con sông lớn ở vùng phía Đông Bắc Tây Nguyên, sông Ba có chiều dài 388km bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô cao 1.549m về phía Đông - Bắc tỉnh Kon Tum chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai, về tỉnh Phú Yên qua cửa biển Đà Rằng, với diện tích lưu vực 13.900km² bao gồm cả phần phía Đông Bắc của Đắk Lắk.

Không quá dài và rộng như sông Mê Kông, Đồng Nai, Sê San… nhưng sông Ba vẫn được rất nhiều người biết đến bởi nhiều đặc trưng riêng vốn có nghìn đời của nó. Dọc theo sông Ba có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, đặc biệt, có cả sự huyền bí. Ở vùng thượng lưu, sông Ba gắn với nhiều huyền tích, sự hùng vĩ của núi rừng, của những danh lam thắng cảnh ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, của hàng chục con thác đẹp như mơ. Còn ở hạ lưu, sông Ba lại là nơi ghi dấu lịch sử từ nghìn năm trước của nhiều bộ tộc cư ngụ. Di tích của các nền văn minh đồ đá từng tồn tại nơi đây vẫn còn được lưu giữ, điển hình là chiếc đàn đá Tuy An. 

Vùng thượng lưu sông Ba còn gắn liền với cái tên của anh hùng Núp (một thời bắn Pháp chảy máu), cùng với bao dấu tích chiến thắng lẫy lừng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ở vùng hạ lưu sông Ba còn là nơi ghi dấu của cuộc tháo chạy trên đường 7, đánh dấu chấm hết, sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa năm 1975.

Sông Ba còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho hàng nghìn hecta cây trồng hai bên bờ, lưu vực vùng hạ du của các tỉnh Gia Lai và Phú Yên, giúp người dân có kế sinh nhai, thoát nghèo, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Sự linh thiêng của dòng sông Ba luôn được người Bana, người Jrai tôn thờ như một vị thần (Ia Ba), thần sông Ba. Sông Ba cũng như mọi dòng sông khác, theo quy luật và tuân thủ theo quy luật tự nhiên của nó, hiền hòa có, hung dữ có, đẹp có, trù phú, lộng lẫy cũng có. Đẹp nhất là mỗi khi được chứng kiến hình ảnh từng đoàn người Bana, Jrai hai bên bờ, mỗi buổi chiều tà, họ tạm biệt nương rẫy, rủ nhau ra sông, đắm mình trong dòng sông, để bỗng chốc quên đi những điều mệt nhọc, lo toan. Đây là nơi chia sẻ tâm sự với người lớn tuổi, nơi tỏ tình với thanh niên, nơi vui đùa với lớp trẻ. Tất cả đều uống nước sông, lớn lên, trưởng thành từ dòng sông và xóa đói giảm nghèo cũng từ sông…

Bức tử dòng sông 

Nhưng rồi dòng sông thiêng bị băm, chặt, cắt khúc ra nhiều đoạn để làm thủy điện, thủy lợi bằng mọi giá. Ngoại trừ các công trình đại thủy nông như hồ Ayun hạ bắt đầu khai thác từ năm 1995, dung tích hữu ích là 201 triệu m3, tưới cho khoảng 8.000ha, năm 2001 bổ sung thêm công trình thủy điện với công suất lắp máy là 2,7 MW. Công trình thủy nông Đồng Cam, đảm bảo ổn định tưới tiêu cho toàn bộ đồng bằng Tuy Hòa Phú Yên (tưới 20.000ha). Công trình này được xây dựng bởi người Pháp từ thập niên 1920. 

Cuộc di dân cả hợp pháp và tự do những năm 80-90 của thế kỷ trước và sau này ngày một nhiều, trở nên quá tải. Những trận càn quét phá rừng mỗi năm nơi thượng nguồn, hai bên vùng hạ nguồn suốt một thời gian dài đã chính thức “vượt ngưỡng”. Sau những năm 2000, nhu cầu làm thủy điện, đầu tư các dự án thủy điện trong ngành, ngoài ngành trong cả nước bùng nổ, (trong đó có Gia Lai). Họ thi nhau làm dự án, xin làm thủy điện như một phong trào. Hơn hai chục năm qua, bắt đầu từ việc nhà nước cho xây dựng thủy điện An Khê - Kanak vùng thượng nguồn sông Ba, huyện Kbang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, nối tiếp sau đó nhà nước lại cho phép chủ đầu tư chia đôi dòng sông thành hai dòng chảy. Một chảy qua thị xã An Khê, một đổ ra sông Côn để làm thêm một công trình thủy điện tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sông Ba cũng từ đó bị xáo trộn quy luật tự nhiên. Dòng chảy thay đổi, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, mọi cái đều thay đổi bởi sự “đánh đổi” táo bạo và bất chấp quy luật tự nhiên của nhà chức trách. 

Nối tiếp là các dự án, thủy điện Sông Ba Hạ được quy hoạch trên địa bàn 15 xã miền núi thuộc hai huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ có hai tổ máy với công suất 220 MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu Kwh/năm, khởi công tháng 4/2004 hoàn thành tháng 11/2009.

Hồ sông Hinh với dung tích hữu ích là 323 triệu m3 nước, phát điện năm 1999 khánh thành năm 2001 với công suất lắp máy 70 MW, tưới trực tiếp 4.500ha, bổ sung nước cho đập Đồng Cam.

Người dân phẫn nộ, các nhà khoa học phản biện, báo chí lên tiếng. Tháng 4/2016, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành, đoàn Gia Lai khóa đã từng nhiều lần rất gay gắt lên tiếng tại diễn đàn kỳ họp thời điểm đó, cho rằng: việc xắt khúc, chia hai dòng chảy từ sông Ba sang sông Côn là “một sai lầm thế kỷ”, phá vỡ quy luật tự nhiên, hủy hoại dần mòn cuộc sống bà con nghìn đời bên sông cần phải được xem xét thấu đáo. Nhưng mọi chuyện được xem như đã rồi!

song ba 2.jpg
Sông Ba. Ảnh báo Dân tộc và Phát triển

Hệ lụy là tất yếu

Lợi bất cập hại. Lợi chưa nói, nhưng hại thì vô cùng lớn. Ngay sau khi thủy điện An Khê - Ka Nak ra đời và chuyện xắt khúc chia hai dòng sông, một đoạn sông Ba dài khoảng 500m chảy qua làng Tờ Mật (xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai) thời gian dài trong năm, nguồn nước luôn đỏ lòm, đặc quánh bùn thiếc do nhà máy tuyển quặng Kbang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xả ra. Chuyện phân bò đóng tảng trong bể nhà máy nước ở An Khê là có thật, báo chí địa phương đã từng phản ánh, do bơm trực tiếp trước khi xử lý cho dân dùng? Xuống dưới một đoạn là huyện Đak Pơ, thị xã An Khê, huyện Kông Chro, dòng sông luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc do các nhà máy mì, mía đường, gỗ… xả nước, dòng sông lúc này như con lạch nhỏ màu nước gạo chở theo đầy rác. 

Mỗi khi Thủy điện An Khê - Kanak tích nước, nhiều đoạn của sông Ba kiệt nước, chỉ còn trơ lại đá, cá chết nổi trắng sông. Khoảng 30km cuối dòng chảy qua thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, huyện Krông Pa (Gia Lai), nơi đâu cũng bắt gặp những đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng mọc giữa dòng.

Theo báo cáo về tình hình nắng hạn hàng năm của UBND tỉnh Gia Lai, mỗi năm toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn hecta cây trồng bị thiếu nước tưới, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Các địa phương phụ thuộc nguồn nước sông Ba là Kbang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa luôn có hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn người thiếu đói trong mùa khô, mùa giáp hạt.

Chưa dừng lại ở đó, mùa mưa lũ sông Ba luôn trong tình trạng chờ quả bom nước bùng về. Rừng đầu nguồn cạn kiệt, nước đổ về hồ thủy điện quá nhiều, để cứu lấy đập thủy điện họ phải đồng loạt xả hồ. Hạ du chịu tất, hoa màu mất trắng, nhà cửa, trâu bò, người bị cuốn trôi không kịp trở tay gần như năm nào cũng xảy ra. Trận lũ lịch sử cuối những năm 1998-1999 đã có thiệt hại về người và những năm sau đó, mỗi mùa lũ, hàng chục nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại không thể tính hết bằng tiền. Hàng năm, cập nhật thiệt hại do hạn hán, lũ lụt ở vùng hạ du của các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên dòng sông Ba luôn lặp đi, lặp lại với mức thiệt hại vô cùng lớn. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân – nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, cho rằng: "Đời sống người dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng gắn liền với nguồn nước. Khi nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt, người dân buộc phải tìm cách thích nghi mới. Muốn hay không, nhiều tập quán đẹp trong truyền thống văn hóa của họ sẽ dần biến mất. Cứu sông chính là cứu những truyền thống văn hóa, những làng nghề đánh cá và cuộc sống của hàng triệu cư dân địa phương".

Vĩ thanh

Ông Đinh Gong người Ba Na ở thị trấn KongChro, nơi gắn bó tuổi thơ và gần cả cuộc đời đã khóc mỗi khi nhìn dòng sông Ba, nhìn phần bãi đá còn lại của con thác tiên năm nào giờ không còn nữa. Và còn biết bao người lớn, thanh niên, trẻ em từ vùng thượng nguồn đến hạ du họ đã khóc, đã sụt sùi nuối tiếc mỗi khi nhìn dòng sông mà không còn dám tắm, không còn được hưởng lợi bao nhiêu mà lại gánh chịu biết bao nhiêu hậu quả khôn lường kể từ khi nó bị bức tử. Tiếc cho một dòng sông, dẫu muộn còn hơn không, khi cán bộ còn biết nghe dân, thấu hiểu ý dân và không đánh đổi môi trường vì dân bằng mọi giá?

Đinh Gia Cư 

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong.jpg