"Những con đường khúc khuỷu,
lầy lội, hiểm trở kia sẽ được thay thế bằng những con đường bằng phẳng, rộng
thoáng. Trên những con sông kia sẽ là những cây cầu vững chắc bắc ngang qua để
ngày ngày đưa đón bước chân kiếm tìm tri thức."
Đây là bài dự thi cuộc thi
"Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn
thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn
Hoàng Khánh Thơ, Đội 2 - Yên Sở - Hoài Đức - Hà Nội, lớp 11A1 trường THPT Hoài
Đức A.
"Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới
đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một
phần lớn công lao học tập của các cháu" (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Thấm thía bao lời dạy của Bác, mỗi chúng em - những chủ nhân tương lai của đất
nước đều ý thức được việc học tập của mình có vai trò vô cùng quan trọng trong
công cuộc xây dựng nước nhà phồn thịnh. Chính bởi vậy, chúng em đều nỗ lực học
tập không ngừng để trau dồi tri thức và phát triển đất nước vững mạnh. Song,
điều kiện giáo dục của chúng em chưa được tốt, cần phải thay đổi để chúng em có
thể phát triển một cách toàn diện.
Thật đau xót làm sao khi bên cạnh em, còn biết bao bạn nhỏ trầy trật chiến đấu
với hoàn cảnh khó khăn để được học, để được có cái chữ, được trở thành con người
có ích trong xã hội.
Ở vùng cao, hàng ngày, các bạn muốn đến trường phải vượt qua những con đường dài
hàng chục cây số. Mà để đi những con đường ấy nào đâu có dễ dàng gì. Trên mặt
đường nhỏ hẹp, uốn khúc, hàng loạt những hòn đá to, nhỏ, gồng ghềnh, ngổn ngang,
lại chưa kể đến những hôm mưa gió, con đường không chỉ nhầy nhụa bùn đất mà còn
trơn đến mức tưởng chừng như có thể trượt chân bất cứ lúc nào. Nguy hiểm đâu kém
gì ở vùng cao, ở vùng sông nước, các bạn nhỏ ngày qua ngày phải đi học trên
những con đò chòng chành, thậm chí còn phải đu dây để qua sông.
Vượt qua những con đường đến trường đầy hiểm trở, các bạn nhỏ vùng xa nào đâu có
được các điều kiện tốt về cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận tri thức. Ngôi
trường của các bạn dường như đã dột nát hết. Bàn ghế thì cũ mục, điều kiện ánh
sáng thì không đảm bảo và hơn thế nữa, ở một số ngôi trường, nước sạch cũng trở
nên thiếu thốn. Bởi thiếu nước nên các thầy cô không thể nấu cơm trưa cho các
bạn được và mỗi người phải tự chuẩn bị cơm cho riêng mình. Sống trong cảnh nghèo
đói, các bạn nhỏ đâu được ăn thịt, ăn cá, trong cặp lồng cơm thức ăn mang theo
chỉ là một chút dưa muối hoặc một chút mắm tép.
Thương cảm hơn là nhiều bạn nhỏ không được cắp sách tới trường mà phải phụ giúp
cha mẹ ra đồng làm lụng. Và còn không ít bạn nhỏ phải lang thang đi làm thuê cực
nhọc kiếm sống.
Nhìn những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn này, em không khỏi đau đáu một nỗi niềm
xót xa. Cùng là con của mẹ Trái Đất mà sao trẻ em Việt Nam lại gặp hoàn cảnh khó
khăn như vậy? Lẽ ra, tất cả trẻ em Việt Nam phải có được điều kiện giáo dục tốt
nhất để phát triển một cách toàn diện.
Nếu có quyền thay đổi, em sẽ thay đổi cơ sở vật chất và những điều kiện bên
ngoài ảnh hưởng đến nền giáo dục trẻ em. Những con đường khúc khuỷu, lầy lội,
hiểm trở kia sẽ được thay thế bằng những con đường bằng phẳng, rộng thoáng. Trên
những con sông kia sẽ là những cây cầu vững chắc bắc ngang qua để ngày ngày đưa
đón bước chân kiếm tìm tri thức. Những ngôi trường rộng lớn với hệ thống nước
sạch và trang thiết bị đầy đủ sẽ thay cho những ngôi trường đổ nát, cũ kĩ ban
đầu. Và đặc biệt hơn, đời sống thiếu thốn của các bạn nhỏ sẽ được thay thế bằng
đời sống no đủ, hạnh phúc để các bạn được học hành, được tiếp nhận kiến thức mà
không phải lo cơm ăn áo mặc.
Những điều kiện khó khăn làm ảnh hưởng đến nền giáo dục của trẻ em Việt Nam được
thay đổi thì không chỉ trẻ em Việt Nam được hưởng những lợi ích tốt đẹp nhất mà
một tương lai tươi sáng sẽ đến với cả đất nước, cả dân tộc.
Trẻ em là tương lai, là vận mệnh của đất nước. Để một đất nước phát triển thì
nền giáo dục của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu. Hẳn là không chỉ em mà tất
cả thế hệ tương lai của Việt Nam đều hy vọng sẽ có một ngày mai tươi sáng với
điều kiện học tập và cơ sở vật chất tốt nhất để chúng em có thể tiếp nhận đầy đủ
hành trang tri thức bước vào đời, đưa đất nước Việt Nam ta "sánh vai với các
cường quốc năm châu".
Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?" |
Chủ đề: "Nếu em có quyền được
thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì
vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Điều kiện dự thi: Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi Bài dự thi gửi về: Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội Hoặc email: quyentreem@vietnamnet.vn Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011 Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích. Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet. Ngày trao thưởng: 1/6/2011. |