Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đang có sự hội tụ của đầy đủ các yếu tố trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, kết nối với hai trung tâm công nghiệp dược liệu miền Bắc và miền Nam để tạo ra thế kiềng ba chân trong việc phát triển công nghiệp dược của cả nước.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, trên địa bàn tỉnh hiện ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam". Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ.
Nhiều cây thuốc quý có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, chủ yếu mọc tự nhiên và phân bố khá đồng đều, rộng khắp ở các huyện miền núi của tỉnh như: Mật nhân, Ka'cun (huyện Đông Giang); sâm Ngọc Linh, quế (Nam Trà My); thất diệp nhất chi hoa, đinh lăng, gừng, tà vạt (Nam Giang)…
Với địa hình khá đa dạng, núi cao, hướng dốc từ tây sang đông và từ bắc xuống nam đã tạo ra tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt về thành phần, chủng loại cây dược liệu. Bên cạnh đó, rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% đất tự nhiên, là nơi dự trữ nguồn dược liệu phong phú, nơi có môi trường thuận lợi cho nhiều loài dược liệu phát triển.
Về hạ tầng giao thông, Quảng Nam đã tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông đường bộ theo trục Bắc–Nam, Đông-Tây cùng hệ thống sân bay và cảng biển đang dần hoàn thiện sẽ là đòn bẩy đưa kinh tế-xã hội của Quảng Nam tiếp tục bứt phá.
Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp dược liệu, ngày 27/3/2022 trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam.