Khắc phục khiếm khuyết về phương diện phát triển văn hóa, phát triển con người thời gian qua
Đảng ta bắt đầu đề cập tới xây dựng hệ giá trị văn hóa vào năm 1998 theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay nước ta đã đi được một chặng đường dài. Trong chặng đường đó, đất nước, kinh tế, con người và văn hóa có những phát triển đáng ghi nhận, song cũng có những hạn chế đáng kể.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhận định: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng"; con người vẫn có rất nhiều mặt rơi vào những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Dư luận kỳ vọng, giải quyết tốt về lý luận các vấn đề về văn hóa, con người trong thực tế, mới có thể khắc phục được những khiếm khuyết về phương diện phát triển văn hóa, phát triển con người thời gian qua.
Cần có hệ giá trị gia đình mới trong bối cảnh ngày nay
Nhấn mạnh gia đình là tế bào của xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi xây dựng gia đình tốt, một tế bào xã hội tốt, sẽ tập hợp để tạo ra một xã hội tốt. Chính vì thế, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, cần xây dựng các giá trị gia đình mới. “Chúng ta cần có hệ giá trị gia đình mới trong bối cảnh ngày nay, để từ đó hình thành nên những tế bào của xã hội tốt, một sức mạnh tốt từ chính gia đình và lan tỏa sức mạnh đó ra toàn xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Đề cập tới 4 tiêu chí cơ bản là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh của hệ giá trị gia đình trong giai đoạn mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, đây là những giá trị trọng tâm; đồng thời 4 giá trị của hệ giá trị gia đình không phải là bất biến mà hoàn toàn có thể được thêm, bớt sau này cho phù hợp với thời đại, bối cảnh xã hội. “Chúng ta thấy có rất nhiều mong muốn trong xây dựng gia đình. Tuy nhiên, cần có những ưu tiên nhất định, số lượng những giá trị nhất định để tập trung nhận thức. Chính vì thế, tạm thời chúng ta đề ra 4 giá trị như vậy để tập trung hết sức mạnh, hành động xây dựng 4 giá trị đó”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho hay.
Nêu quan điểm về việc triển khai hệ giá trị gia đình vào thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, xây dựng hệ giá trị là một công việc quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của tất cả mọi người. Do vậy, yêu cầu đầu tiên để triển khai hiệu quả các hệ giá trị trên thực tế là cần có nhận thức đúng và đầy đủ; đồng thời cần bắt nguồn từ lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền để chuyển hóa nhận thức thành hành động, các chương trình, kế hoạch, trên cơ sở đó huy động được sự quan tâm của toàn xã hội, nguồn lực thực hiện thành công các hệ giá trị.
Vì vậy, việc đề cao hơn nữa các giá trị gia đình trong truyền thống, neo giữ những giá trị tốt đẹp nhất của gia đình, làm cho gia đình Việt Nam bắt kịp với các gia đình hiện đại trên thế giới, để mỗi con người tự do phát triển, sáng tạo là mục tiêu hệ giá trị gia đình Việt Nam đặt ra hiện nay.