Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm gọn trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng đất Tây Nguyên. Vùng đất này được mệnh danh là “thiên đường nghỉ dưỡng” của Việt Nam. Ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã nhìn ra và khai thác khiến nơi đây trở thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng có tiếng.
10 năm trở lại đây, Đà Lạt không ngừng đổi thay trên mọi lĩnh vực trong đó nổi bật nhất phải kể đến là cơ sở hạ tầng đô thị và môi trường sống thân thiện. Đây là những nội dung xuyên suốt trong lộ trình thực hiện đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”.
Trong hành trình xây dựng Đà lạt trở thành thành phố thông minh, sở Y tế sẽ sớm có đánh giá kết quả nội dung, tiến độ công việc đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Quyết định 1365/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 -2025 (Đề án 1365) lĩnh vực y tế từ năm 2018 đến nay.
Nội dung thực hiện bao gồm: Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh; phần mềm quản lý y tế cơ sở; xây dựng y bạ điện tử hướng đến hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố; cổng tích hợp dữ liệu ngành Y tế; hệ thống đào tạo trực tuyến bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Y tế; dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trên nền tảng vạn vật kết nối (IoT).
Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh: Sở Y tế Lâm Đồng đã đôn đốc các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trong ngành tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh (HIS); trong đó, tập trung hoàn thiện và số hóa Cơ sở dữ liệu tiến tới triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng quy định của Bộ Y tế.
Ngành Y tế Lâm Đồng đặt mục tiêu trong năm 2023 - 2025 xây dựng và triển khai hệ thống quản lý PACS (Dữ liệu chẩn đoán hình ảnh) tập trung, phục vụ triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử và tư vấn, hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa. Triển khai thí điểm Hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy.
Đối với địa bàn TP Đà Lạt, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã đáp ứng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế (HIS). Trong năm 2022-2023, có 100% các đơn vị triển khai tích hợp khai báo thông tin khám bệnh, chữa bệnh qua thẻ căn cước công dân, liên thông đơn thuốc điện tử, dữ liệu giấy khám sức khỏe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử, dữ liệu được liên thông đồng bộ trực tiếp, tự động và kịp thời phục vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Phần mềm quản lý y tế cơ sở đã được ngành Y tế Lâm Đồng triển khai đến các đơn vị Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến nay, tỷ lệ triển khai phần mềm Nền tảng trạm y tế xã đạt tỷ lệ 100% (142/142 trạm y tế). Đồng thời, hoàn thành mục tiêu trên 50% cơ sở y tế cấp xã, phòng khám khu vực trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng này đối với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đối với tỉnh Lâm Đồng “Mục tiêu trên 50% cơ sở y tế xã, phường, phòng khám khu vực trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng này”.
Xây dựng y bạ điện tử hướng đến hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố: Sở Y tế giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ cho 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành Y tế. Hiện nay, trên 90% dân số tỉnh Lâm Đồng đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh thực hiện tạo lập được 1.360.199 hồ sơ /1.401.410 nhân khẩu (đạt tỷ lệ 97,2%); trong đó nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe đạt 87%, tiêm chủng đạt 42,2%, khám lâm sàng và cận lâm sàng đạt 61,6%.
Tại TP Đà Lạt, tỷ lệ tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn đạt 95,9% (206.564/215.368 hồ sơ) do Trung tâm Y tế TP Đà Lạt chủ trì thực hiện. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Đà Lạt tiếp tục rà soát, thực hiện chỉnh sửa thông tin cá nhân của người dân, đối sánh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật lại thông tin tiêm chủng, thông tin khám, chữa bệnh của người dân lên hồ sơ sức khỏe điện tử.
Ngày 9/2/2022, ngành Y tế Lâm Đồng khai trương hệ thống thông tin tư vấn khám bệnh và hội chẩn từ xa trong y tế toàn tỉnh, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện đăng ký khám từ xa giữa đơn vị tuyến huyện với đơn vị tuyến tỉnh. Đồng thời, các đơn vị lập kế hoạch đăng ký thực hiện khám bệnh với các tuyến trên, thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa theo kế hoạch triển khai của Sở Y tế Lâm Đồng.
Tại Đà Lạt, 100% đơn vị khám bệnh, chữa bệnh được trang bị tối thiểu 3 điểm cầu, các đơn vị quản lý nhà nước lĩnh vực y tế trên địa bàn được trang bị 1 điểm cầu phục vụ công tác chỉ đạo tuyến, hoạt động hội chẩn, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị duy trì hoạt động chuyên môn, hoạt động chỉ đạo tuyến và hoạt động hội chẩn giữa các tuyến, việc triển khai tương đối nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm chi phí.
Với việc thực hiện đề án: “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”, cụ thể là trở thành thành phố thông minh lĩnh vực y tế, điều này không chỉ đánh giá nhìn nhận trong 1 sớm 1 chiều mà phải qua cả 1 quá trình thực hiện xuyên suốt nhiều năm với những bước đi vững chắc và trong nhiệm kỳ tới sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể hơn.