Lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao là chủ trương chiến lược của Đảng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quán triệt, thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, những năm qua, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên trên địa bàn cả nước đã thu được những kết quả tích cực. Nổi bật là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ này được tiến hành chặt chẽ, thống nhất, nghiêm túc, đúng quan điểm, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên có sự chuyển biến toàn diện. Các địa phương, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác tạo nguồn, đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân; duy trì nền nếp phúc tra, kiểm tra sẵn sàng động viên và bảo đảm chế độ, chính sách cho quân nhân dự bị đúng theo quy định của pháp luật. Phương thức, mô hình xây dựng đơn vị dự bị động viên, công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên có nhiều đổi mới, phù hợp với thực tiễn đất nước, yêu cầu xây dựng Quân đội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đến nay, lực lượng dự bị động viên được xây dựng có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao1, sắp xếp vào các đầu mối đơn vị cơ bản đủ biên chế theo quy định. Qua đó, thiết thực góp phần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng dự bị động viên tỉnh Hà Nam thực hành bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ

Tuy nhiên, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên vẫn còn những hạn chế và đã được chỉ ra trong tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016). Cấp ủy, chỉ huy các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị trong toàn quân cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến phức tạp; chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng, diễn ra gay gắt. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi phải tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trong đó, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao, phát huy tư tưởng, truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “Động vi binh, tĩnh vi nông” của dân tộc trong thời đại mới là nhiệm vụ rất quan trọng, cần tập trung thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên. Đây là nguyên tắc, giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng lực lượng dự bị động viên. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong toàn quân cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh, làm cho toàn dân, trước hết là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước về xây dựng lực lượng dự bị động viên. Về nhận thức, cần xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể và toàn dân trong thực hiện. Trên cơ sở đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, gắn với thực hiện Luật Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam,... phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Từ kinh nghiệm thực tiễn, các bộ, ngành, địa phương cần nắm vững yêu cầu, nội dung, nguyên tắc, phương pháp tiến hành và phân cấp trong xây dựng lực lượng dự bị động viên; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về dự bị động viên, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tăng cường phối hợp, kiểm tra, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết.

Hai là, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng lực lượng dự bị động viên phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng lực lượng dự bị động viên. Nhờ đó, công tác xây dựng lực lượng quan trọng này được tiến hành ngày càng thống nhất, chặt chẽ, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật về xây dựng lực lượng dự bị động viên, mà trực tiếp là Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng dự bị động viên, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, v.v. Vì vậy, cần đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lực lượng dự bị động viên, trọng tâm là xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho xây dựng lực lượng này, thiết thực góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện vấn đề đó, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã đề xuất với Đảng, Chính phủ, Quốc hội việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên; đồng thời, tích cực chỉ đạo nghiên cứu xây dựng dự án Luật, trình các cấp có thẩm quyền, bước đầu đạt được kết quả tốt. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chủ động nghiên cứu, tham mưu, giúp Chính phủ, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành khi Luật Lực lượng dự bị động viên được thông qua, tạo hệ thống pháp luật đồng bộ, bước đột phá trong xây dựng lực lượng dự bị động viên.

Ba là, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên. Phát huy kết quả đã đạt được, cơ quan quân sự các địa phương cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt hơn nữa công tác đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên, cả về con người và phương tiện, trang bị kỹ thuật của nền kinh tế. Tăng cường phối hợp với các đơn vị thường trực thực hiện tốt công tác phúc tra, kiểm tra, sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị theo quy định; kết hợp linh hoạt giữa sắp xếp đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự với gần, gọn địa bàn một cách hợp lý. Để khắc phục sự mất cân đối nguồn động viên và chuyên nghiệp quân sự, cần tiếp tục tham mưu cho địa phương quy hoạch vùng động viên gắn với địa bàn tuyển quân, tạo nguồn quân nhân dự bị ngay từ khâu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hằng năm, chú trọng địa bàn khó khăn về nguồn. Đồng thời, tích cực tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị từ nguồn ngân sách địa phương; chủ động rà soát, bổ nhiệm, miễn nhiệm quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy, xây dựng đội ngũ cán bộ khung B, đảm bảo số lượng, chất lượng. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy mô, loại hình tổ chức đơn vị dự bị động viên theo hướng tinh, gọn, phù hợp với định hướng điều chỉnh tổ chức biên chế của Quân đội, thực lực nguồn của từng địa phương.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị dự bị động viên, xác định đây là khâu đột phá để nâng cao trình độ, sức mạnh chiến đấu của lực lượng này. Các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện quân nhân dự bị và đơn vị dự bị động viên. Bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế chiến đấu; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, coi trọng huấn luyện đội ngũ cán bộ khung B, huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự cho quân nhân dự bị binh chủng, chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường tổ chức diễn tập chỉ huy, cơ quan, diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, thực hành huy động tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, kiểm tra sẵn sàng động viên, nhằm rèn luyện, nâng cao năng lực chỉ huy, trình độ kỹ chiến thuật, khả năng phối hợp, hiệp đồng chiến đấu của đơn vị dự bị động viên.

Bốn là, tích cực huy động các nguồn lực bảo đảm cho xây dựng lực lượng dự bị động viên. Những năm qua, công tác bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên đã được các bộ, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên việc bảo đảm, nhất là về thao trường, bãi tập, vũ khí, trang bị kỹ thuật, doanh trại phục vụ cho huấn luyện và chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với quân nhân dự bị còn có những hạn chế. Để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên, cần nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước. Mặt khác, cơ quan quân sự cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên theo đúng Pháp lệnh và Luật Ngân sách nhà nước. Chú trọng quy hoạch, đầu tư kinh phí xây dựng thao trường, nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm cho tập trung huấn luyện dự bị động viên, mua sắm trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác đăng ký, quản lý và làm tốt chi trả chế độ, chính sách cho quân nhân dự bị, chủ phương tiện kỹ thuật được huy động làm nhiệm vụ, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

Xây dựng lực lượng dự bị động viên là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Vì vậy, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng lực lượng dự bị động viên ngày càng hùng hậu, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

_____________

1 - Đã sắp xếp quân số đạt 94,08%; trong đó, sĩ quan dự bị đạt 81,26%, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đạt 96%. Tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự: sĩ quan dự bị đạt 72,25%, gần đúng 20,4%; hạ sĩ quan, binh sĩ đạt 68,7%, gần đúng 14,3%. Về chất lượng chính trị: đảng viên trong quân nhân dự bị chiếm 5,5%, đoàn viên chiếm 33%; sĩ quan dự bị là đảng viên đã xếp vào đơn vị dự bị động viên đạt 55,6%.

Theo tapchiqptd.vn