Chiều 22/3, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đã có kết luận quan trọng. Trân trọng giới thiệu toàn văn.

Kính thưa đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025!

Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương!

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

Thưa toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị!

Sau một buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Hội nghị chúng ta vui mừng được đón đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, các đồng chí đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM về dự. Tại Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi nghiêm túc tiếp thu và sẽ cụ thể hóa thành các nhiệm vụ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tôi ghi nhận và đánh giá cao các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tập thể và cá nhân đã bố trí thời gian dự hội nghị đông đủ, đúng thành phần, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, nhiều kinh nghiệm bổ ích, mang đến cho Hội nghị tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Về các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để hoàn thiện nội dung các văn bản, trình cấp có thẩm quyền ban hành để khẩn trương tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh phân loại, giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo theo quy định.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, với mục đích làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng nông thôn mới, trong 03 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, XIX, Đảng bộ tỉnh đều xác định Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ.

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, việc làm và đời sống sinh hoạt của Nhân dân, trong đó có việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trong muôn vàn khó khăn, kế thừa những thành tựu chung của đất nước và kế thừa, phát triển thành tích, kết quả, kinh nghiệm từ nhiều nhiệm kỳ trước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đến tổ chức thực hiện và nhất là kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở thôn, bản, xã, huyện và tỉnh đều đạt được những thành tích đáng kể. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM được nâng lên; xây dựng NTM thực sự trở thành xu thế, thành phong trào thi đua sôi nổi trên khắp mọi miền quê trong tỉnh, thu hút cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và toàn xã hội tham gia.

Toàn tỉnh đã huy động được trên 13.900 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng các sản phẩm OCOP. Nhiều công trình hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai, nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai bài bản, bước đầu đã có nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện, 352/465 xã đạt chuẩn NTM; có 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), 01 sản phẩm 5 sao. So với mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đến nay chúng ta đã đạt 63% chỉ tiêu huyện NTM, 86% chỉ tiêu xã NTM, 80% chỉ tiêu thôn/bản miền núi NTM; 45% chỉ tiêu xã NTM nâng cao; 29% chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu, 91% chỉ tiêu thôn/bản NTM kiểu mẫu.

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, đạt được kết quả như trên thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của tỉnh trong hơn 02 năm qua.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, tôi ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM thời gian qua; nhiệt liệt biểu dương 130 tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được vinh danh khen thưởng tại Hội nghị hôm nay.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn thừa nhận, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, có mặt yếu kém như báo cáo đã nêu. Tại hội nghị này, tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề, đó là:

Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào khí hậu, thời tiết, thị trường tiêu thụ; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; chưa có nhiều sản phẩm mới, có thương hiệu. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; giữa các huyện, xã vẫn còn chênh lệch khá lớn. Trong khi tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 75,7%, thì vùng đồng bằng đã đạt trên 98,9%, miền núi mới đạt 37,42%. Đến nay, chưa có huyện miền núi nào được công nhận đạt chuẩn NTM và còn 01 huyện (Mường Lát) chưa có xã NTM.

Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thực sự ổn định; kết nối thị trường chưa thông suốt; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa phổ biến; năng suất lao động, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, thu nhập của người nông dân còn khoảng cách lớn so với khu vực đô thị. Kết quả thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương còn hạn chế, số lượng sản phẩm OCOP được công nhận nhiều nhưng sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa được nâng lên rõ rệt; chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu tỉnh, địa phương.... Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa được triển khai thực hiện đồng bộ.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên cơ bản là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao. Nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình tiên tiến, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Một số địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới có biểu hiện thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được, nên thiếu quan tâm trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí, chưa tập trung cao cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM trong 02 năm qua, có thể rút ra một số bài học đó là:

Một là, xây dựng nông thôn mới phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị. Bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Trung ương; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của địa phương, cơ sở, triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương.

Hai là, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Người dân là chủ thể, người trực tiếp thực hiện, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và hưởng lợi. Vì vậy, quá trình thực hiện phải lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư, tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức vật chất và tinh thần của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công sức, tiền của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Ba là, xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách cho phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân. Thực hiện phân cấp cho cơ sở trong thực hiện, nhất là cộng đồng dân cư và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng, tập trung cho các công trình do thôn và cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức thực hiện, tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có phù hợp tiêu chí nông thôn mới. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Năm là, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện; tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích hoặc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% diện tích toàn tỉnh; lao động nông nghiệp và số người dân sống trong khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động và dân cư trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; cùng với việc quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Báo cáo, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; trong thời gian tới, tôi đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Khẩn trương rà soát các kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn như ý kiến gợi mở của đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT; có giải pháp tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để tạo động lực phát triển sản xuất, thu hút đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, thực hiện giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… Tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới toàn diện, nâng cao và bền vững, với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Đối với tỉnh ta, cần thống nhất nhận thức là: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò quan trọng, là bệ đỡ, là nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho nông dân. Người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn phải là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp phải là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với quá trình đô thị hóa, nhất là đối với khu vực ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển thành đô thị, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường… hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Chúng ta hãy làm nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và hài hòa, thực sự đem lại sự hài lòng và hạnh phúc của Nhân dân, để nông thôn luôn luôn và mãi mãi là nơi mà chúng ta muốn sống, muốn đi về.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu và phát triển bền vững; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, từ nền nông nghiệp phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình OCOP, phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao. Phấn đấu đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa làng quê nông thôn ngày càng văn minh, bình yên, đáng sống.

Thứ tư, thực hiện tốt quy chế dân chủ, huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân để tập trung xây dựng NTM. Trong điều kiện cả 3 chương trình MTQG đều được triển khai chủ yếu trên địa bàn nông thôn và đều gắn với mục tiêu xây dựng NTM như hiện nay, thì phải có các giải pháp phù hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là tại các địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo, góp phần hoàn thành các mục tiêu của chương trình và bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Triển khai đồng bộ các giải pháp để kịp thời triển khai các dự án được ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ đảm bảo tiến độ, chất lượng, công khai, minh bạch, đúng với các quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc huy động quá sức dân.

Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về việc thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”. Đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn tới từng thôn, bản, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân ở nông thôn; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, đồng thời phê bình, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu quyết liệt, chần chừ, ngại khó hoặc để xảy ra sai phạm.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Hội nghị!

Phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong những năm qua, tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, chúng ta sẽ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT trong thời gian qua đã luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Thanh Hoá. Mong rằng, trong thời gian tới, đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương sẽ tiếp tục giành tình cảm, sự quan tâm nhiều hơn nữa để tỉnh Thanh Hoá thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, xin chúc đồng chí Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin bế mạc Hội nghị tại đây.

Xin trân trọng cảm ơn!