Nhiều mẫu xe Đức như BMW, Audi, Mercedes đều gặp vấn đề khi bước sang năm thứ 4, trong khi các mẫu xe Nhật thường chứng tỏ sự bền bỉ và ít hỏng vặt.

“Tại sao đa phần xe hơi sang trọng của Đức kém tin cậy hơn so với xe Nhật”, Kris Eager - sinh viên đại học Massachusetts (Mỹ) - đưa ra câu hỏi trên Quora và nhận được hàng trăm câu trả lời từ những người tham gia.

Kris Eager dẫn chứng: “Audi, BMW, Mercedes đều có độ tin cậy kém! Tôi lái một chiếc BMW X5 và không thể tin nổi có nhiều thứ bị hỏng quá nhanh. Cửa sổ, cửa sổ trời, nút điều chỉnh chỗ ngồi, các cảm biến, bảng điều khiển đều bị vỡ hoặc không hoạt động chỉ sau ba năm sử dụng.

Động cơ không gặp trục trặc gì lớn, nhưng những chi tiết nhỏ là thứ khiến tôi bực mình. Tôi cho rằng các nhà sản xuất ôtô của Đức sử dụng các bộ phận bằng nhựa dễ vỡ để giảm trọng lượng và chi phí”.

{keywords}

Độ tin cậy kém nên xe Đức mất giá nhanh hơn xe Nhật.

Phản hồi về điều này, Tomer Amrani - một kỹ sư cơ khí cho rằng: “Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Thời gian gần đây, xe Đức đã đạt chất lượng gần với xe Nhật và cao hơn rất nhiều so với xe Mỹ. Dù chất lượng xe Mỹ được cải thiện nhưng vẫn tụt hậu so với Nhật Bản. Không thể phủ nhận chất lượng xe Đức đang giảm nhưng hiện nay các hãng xe thành công chủ yếu nhờ mẫu mã”.

Cũng theo chuyên gia này, lý do người Nhật sản xuất ra những mẫu xe chất lượng cao hơn quốc gia khác là dựa trên nguyên tắc “Kaizen”, có nghĩa là toàn bộ quy trình sản xuất hướng tới việc giảm bớt các hoạt động lãng phí và dựa vào thực tiễn để cải thiện kết quả.

"Các nhà sản xuất của nước khác bắt đầu áp dụng phương pháp này, nhưng người Nhật sống với nó. Đó là nguyên tắc nằm lòng đối với tất cả các sản phẩm của họ, không chỉ riêng xe hơi. Nguyên tắc này đã ăn sâu trong văn hóa công ty của họ, thậm chí là văn hóa xã hội", Amrani nhận định.

{keywords}

Công tắc bấm kính trên xe Mercedes S400 bị gãy sau 3 năm sử dụng.

Ben Pas, một thợ sửa ôtô cũng đồng quan điểm: "Ôtô Nhật đáng tin cậy hơn xe Đức, nhưng tại sao? Câu hỏi này khiến tôi không tìm được lời giải trong gần một thập kỷ. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi biết rằng hầu hết bộ phận và thiết bị điện tử sử dụng trên xe hơi Nhật được thử nghiệm và chứng minh độ bền trong nhiều năm".

"Người Đức thường đổi mới và sử dụng các công nghệ ít được kiểm chứng hơn để mong muốn trở thành người đầu tiên. Khi bạn muốn là người dẫn đầu, bạn thường phải hy sinh độ tin cậy", Ben Pas nêu ý kiến.

Bạn sẽ không thấy nhiều công nghệ đột phá trong xe Honda Accord hoặc Toyota Camry. Bạn sẽ nhìn thấy những công nghệ cao cấp sử dụng trên xe Đức được áp dụng trên xe Nhật vài năm sau đó.

Người mua xe hơi Nhật Bản tìm kiếm độ tin cậy. Họ thường kiếm được ít tiền hơn so với những người sử dụng xe Đức, vì vậy yếu tố đáng tin cậy phải được đưa lên hàng đầu. Chiếc xe có thể gắn bó với họ hàng chục năm.

Ngược lại, những người mua xe Đức có thu nhập cao hơn và chỉ sử dụng trung bình khoảng 3 năm trước khi bán lại. Họ có nhu cầu được sử dụng những công nghệ tiên phong nên chấp nhận hy sinh độ bền.

{keywords}

Xe Nhật hơn xe Đức về độ tin cậy. Ảnh: Motortrend.

Chẳng hạn Mercedes, triết lý kinh doanh của họ đã thay đổi kể từ khi chứng kiến sự thành công của Lexus. Hãng xe Đức từng đưa ra khẩu hiệu “tốt hơn những gì bạn cần” nhưng đã chuyển thành “nhiều tính năng hơn những gì bạn có thể khám phá”.

Mercedes không còn chế tạo những chiếc xe cho chủ sở hữu thứ ba. Họ cũng làm ra những chiếc xe nhỏ gọn để đáp ứng khách hàng trẻ. Và đặc biệt, để giảm giá thành, công ty cũng yêu cầu các đối tác hạ giá thiết bị cung ứng.

Điều tương tự đang diễn ra với Volkswagen, được gọi là “hiệu ứng Lopez”. Cựu giám đốc điều hành GM đã chuyển sang Volkswagen và gia tăng áp lực với các nhà cung cấp để sản xuất ra những bộ phận rẻ hơn bao giờ hết. Kết quả có thể thấy, chất lượng Volkswagen ngày càng đi xuống với những bê bối nghiêm trọng liên quan tới an toàn và khí thải.

Tuy nhiên, Razvan Balanescu - một người đam mê ôtô cho rằng: “Xe Đức tinh vi và phức tạp hơn nhiều nên dễ hỏng. Những chiếc Toyota với công nghệ nghèo nàn và các chi tiết cơ khí đơn giản sẽ 'không có gì để hư hỏng'. Vì vậy, sử dụng xe Đức phải đúng cách và bảo hành, bảo dưỡng đúng thời hạn. Đó là cái giá đáng phải trả để được hưởng sự sang trọng”.

"Xe Nhật Bản tập trung vào chất lượng từng phần. Các bộ phận được làm đúng yêu cầu thay vì giá rẻ, vì vậy độ tin cậy của toàn chiếc xe tăng lên. Các bộ phận có thể đắt hơn một chút và khiến giá xe tăng, nhưng nó vẫn là món hời so với những chi phí bạn phải chi trả trong quá trình sử dụng vì hư hỏng", Bryce Winter - Giám đốc điều hành một công ty công nghệ viết.

{keywords}

Xe Đức đem lại cảm giác lái hưng phấn hơn so với xe Nhật. Ảnh: Autobild.

Paul Davies - CEO một công ty sửa chữa xe hơi cho rằng so sánh xe Đức hay xe Nhật tốt hơn là vấn đề rất khó. Trong khi xe Đức tập trung cho hiệu suất và cảm giác của người lái, những chiếc xe Nhật chỉ chú trọng vào chất lượng và độ bền.

Có thể lấy ví dụ một chiếc Lexus IS300 sử dụng động cơ V6, 3.5 lít, công suất 255 mã lực. Trong khi đó, Audi A6 sử dụng động cơ V6, 3.0 lít sản sinh 333 mã lực. BMW V6, 3.0 lít sản sinh 300 mã lực và Mercedes V6, 3.0 lít sản sinh 329 mã lực. Hiệu suất lớn hơn sẽ dẫn tới tuổi thọ thấp hơn.

Xe Nhật thường dùng chung động cơ cho nhiều loại xe để tiết kiệm chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển). Bạn sẽ không bao giờ nghe một thương hiệu Nhật khoe khoang về khả năng tăng tốc hay sức mạnh vượt trội. Bởi đó chính là nhược điểm của họ. Lexus áp dụng chính sách “rẻ hơn sẽ bán được nhiều hơn” để cạnh tranh với các đối thủ đến từ Đức.

{keywords}

Những thương hiệu xe hơi đáng tin cậy năm 2017. Nguồn: Consumer Reports.

Theo thăm dò người dùng của Consumer Reports, hầu hết xe hơi sang trọng của Đức bị đánh giá kém tin cậy so với các đối thủ đến từ Nhật. Trong đó thương hiệu Lexus đang dẫn đầu tại nhiều thị trường để trở thành thương hiệu đáng tin cậy nhất năm 2017.

(Theo Zing)