Cách tiêu tiền vào hàng hiệu, siêu
xe và rượu của giới nhà giàu trong mùa tăng giá không chỉ khiến nhiều người
nghèo “bỗng dưng muốn khóc” mà còn làm lệch cả cán cân thương mại quốc gia.
Túi xách trăm triệu - mớ rau của người giàu
Tầng trệt của khách sạn Sofitel Metropole trên đường Lý Thái Tổ rải thảm đón bước chân của những người sành điệu giàu có. Người ít tiền lạc vào đây thì có thể được coi cho là… dũng cảm. Hãy nhìn mức giá niêm yết cho đôi giày Ý đặt trên kệ, người yếu bóng vía phải run: 21.775.000 đồng. Gần 22 triệu đồng cho một đôi giày da màu đỏ.
Nhưng người phụ nữ dáng vẻ quý phái đứng ngay cạnh tôi đã rút ví ra đếm tiền mua đôi giày mà không chút nhíu mày. Bà bỏ giày vào chiếc túi giấy và tiếp tục shopping, ở đây còn rất nhiều đồ hiệu…
Nhưng với những người quen vào đây, chuyện giá trên trời trở nên đương nhiên và họ thường điềm nhiên mở ví. Cô nhân viên bán hàng mặc áo dài nhỏ nhẹ bảo: “Túi này bán chạy lắm, hàng độc bản, chỉ có một không hai, có người mua phải đặt trước”.
Đằng kia, một chiếc túi độc bản khác, to đùng, màu nâu, hiệu Louis Vuitton, giá 245 triệu đồng.
Tôi sờ vào chiếc túi, rõ ràng nó không phải làm bằng vàng hay đính ngọc quý, kim cương. Cô nhân viên bán hàng lại giải thích: “Túi này làm bằng da đà điểu, nhờ chứa một loại mỡ đặc biệt nên da này không bị đứt gãy, cứng, khô. Da đà điểu mềm mại với họa tiết tuyệt tác của thiên nhiên là những chấm chân lông hài hòa…”.
“Chiếc túi da đà điểu này bán chạy không?” “Bán chạy” “Người nước ngoài hay người Việt Nam thường mua?”. Cô nhân viên cười: “Người Việt Nam mua nhiều lắm, vào đây chủ yếu người mình. Anh không biết đấy thôi, nhiều bà vào đây mua túi xách dày dép cả trăm triệu đồng mà như mua mớ rau, con tép”. “Thời tăng giá này, doanh số bán hàng ở đây có giảm không?”. “Chúng em bán hàng vẫn đều, không giảm đâu”.
Mốt của dân chơi Hà Nội khoác lên người những bộ quần áo, túi xách giá ngang ngửa… ô tô không phải là tin đồn trong ngày cá tháng Tư. Nhiều địa chỉ bán đồ hiệu của D&G, Just Carvalli, Versace, Armani, Louis Vuitton trên phố Tràng Tiền, ở Vincom Tower, Parkson được dân chơi không ngại vung tiền khi tìm được hàng ưng ý, hàng độc, xứng với “đẳng cấp” của mình.
Ở Vincom, chuyện một quý ông bỏ ra 120 triệu để tậu bộ veston của Ý đã trở nên bình thường. Cái câu “Y phục xứng kỳ đức” trong trường hợp này có vẻ phải đổi thành “Y phục xứng túi tiền”.
Siêu xe ở Hà Nội
Dân chơi Hà Nội sẵn sàng bỏ tiền cho những bộ quần áo ngang ngửa giá xe ô tô, nhưng đó là ô tô loại thường, chắc chắn không phải là siêu xe của giới đại gia.
Cách đây chưa lâu, Hoa hậu biển 2006 Vũ Ngọc Diệp đã lên xe hoa về nhà chồng với 30 chiếc xế khủng đưa dâu… Tất cả các nhãn hiệu cao cấp như Bentley Continental GT, Porsche Cayenne, Lamborghini Murcielago, Chrysler 300C Limousine… đều có mặt trên đường phố Hà Nội dự đám cưới.
Trên đường phố, thỉnh thoảng lại bắt gặp một chiếc Bentley GT Speed. Động cơ thuộc loại W12 (12 xi-lanh xếp hình chữ W), dung tích 6 lít. GT Speed có công suất 600 mã lực. Tốc độ tối đa mà GT Speed đạt được là 326 km/h, tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí đứng yên trong vòng 4,3 giây. Giá xuất xưởng của GT Speed tại Mỹ là 200.000 USD.
Những chiếc Rolls-Royce Phantom cũng không hiếm ở Hà Nội. Vóc dáng đặc biệt và sự sang trọng thượng thừa khiến dân chơi không tiếc tiền để tậu nó, dù mức giá dao động 500.000 USD đến hơn 1 triệu USD, tùy theo đời và trang thiết bị đi cùng. Hà Nội hiện có vài chục chiếc Roll – Royce Phantom loại này.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết: “Đối với người bình thường, có được ô tô đã sang lắm rồi. Nhưng đối với nhiều người thì chiếc Camry vẫn là giẻ rách, họ phải đi Maybach, Porche 911 Turbo hay Bentley”.
Trong năm 2010, khi kinh tế đất nước đang rất khó khăn thì tổng số tiền mà nước ta chi để nhập hàng xa xỉ phẩm là 10 tỷ USD.
Dù được đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt, nhưng ôtô nhập khẩu cũng chiếm khoảng 1 tỷ USD, trong đó lượng nhập các siêu xe vẫn tăng. Siêu xe của Hà Nội bây giờ nhiều đến mức mà Quyền Hunter - một sinh viên thích săn ảnh xe “độc” đã chụp được 4G ổ cứng ảnh.
Rượu tây suối chảy
Quyền Hunter có thể thoải mái chụp siêu xe, nhưng những trò ăn chơi của chủ nhân nó thì rất khó ghi hình. Ban đêm, siêu xe của nhiều dân chơi hay đỗ trước vũ trường hay quán bar sang trọng. Tôi theo chân Vũ - một tay chơi “nghiệp dư” - cùng mấy người bạn đến vũ trường mới mở trên đường Trần Duy Hưng.
Vũ gọi một chai Chivas 12 năm, bảo: “Bọn tôi vào đây thuộc loại nhà quê, 10 thằng chỉ len lén gọi chai rượu Tây với đĩa hoa quả, thanh toán cũng mất 5 triệu, mỗi thằng góp 5 trăm nghìn đồng, tuần nào cũng đến hưởng tí không khí thượng lưu. Còn ông muốn xem dân ở đây tiêu tiền thì cứ nhìn lên bàn rượu”.
Bàn bên cạnh, một chai John xanh chỉ còn vỏ, một chai đang mở dở, 4 trai trẻ vừa cụng ly vừa nhảy theo điệu nhạc.
Bàn trước mắt tôi lừng lững 3 chai Chivas 21 năm, 5 thanh niên đã uống cạn 2 chai mà vẫn cụng cốc liên tục.
Vũ ghé tai bảo: “Mấy ông này tuần nào tao cũng gặp, hóa đơn thanh toán của nó toàn trên hai mươi triệu. Có khi một tuần đến đây ba bốn lần”.
Xung quanh tôi, rượu chảy như suối. Toàn rượu ngoại loại đắt tiền, uống bia có vẻ bị “phân biệt đối xử”.
12 giờ khuya, số vỏ chai rượu ngoại trên những mặt bàn nhiều không đếm xuể.
Vũ lại ghé tai: “Tao nghe nói có đêm khách uống 3,2 tỷ đồng tiền rượu”.
Tôi choáng - nhưng không phải vì
uống rượu.
TS Lê Đăng Doanh -
nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu Kinh tế T.Ư: Biểu hiện của một
thị trường có vấn đề Tỷ lệ nhập khẩu những mặt
hàng xa xỉ quá lớn là gánh nặng cho thị trường, làm thâm hụt cán cân
thương mại. Trong khi thu nhập của người dân còn thấp, người thu nhập
cao chiếm số ít thì việc nền kinh tế nhập siêu lên đến 10 tỷ USD hàng xa
xỉ được xem là biểu hiện của một thị trường có vấn đề. Tôi không cho rằng giá trị
của một người phụ thuộc vào món đồ anh ta sử dụng. Căn bệnh hình thức
này mọi người đều biết nhưng không phải ai cũng tránh được. Giáo sư - Tiến sỹ
Trịnh Duy Luân - Viện trưởng Viện Xã hội học: Không cần phải bận
tâm Bối cảnh xã hội hiện nay,
hiện tượng người giàu ăn chơi xa xỉ là bình thường, là quyền của cá nhân
tiêu dùng, quyền được khẳng định cá tính bằng hành vi. Đó là một nhóm
nhỏ trong xã hội, xét về một mặt nào đó, nó cũng giúp khuyến khích tiêu
dùng, nên không cần phải bận tâm, và tôi nghĩ không nên phán xét họ ở
góc độ đạo đức.
(Theo Tiền Phong)
>> Những bữa ăn nghìn đô thời 'bão giá'