Nhật thực trên Trái Đất với hình ảnh Mặt Trời và Mặt Trăng đều rất tròn. Nhưng hình ảnh nhật thực từ sao Hoả khi mặt trăng Phobos che khuất 1 phần Mặt Trời rất khác.

Hình ảnh nhật thực trên sao Hoả do Tàu thăm dò Perseverance của NASA ghi lại vào ngày 18/11. Ảnh: NASA

Hình ảnh được Tàu thăm dò Perseverance của NASA ghi lại vào ngày 18/11 vừa qua, thời điểm mặt trăng hình củ khoai tây Phobos cắt ngang, che một phần Mặt Trời.

Nhà khoa học hành tinh Paul Byrne đã ví cảnh tượng này giống như một "con mắt giả".

Chuyên gia xử lý hình ảnh Kevin Gill đã ghép các ảnh chụp của tàu Perseverance thành một video ngắn cho thấy Phobos di chuyển ngang qua Mặt Trời, giúp người xem hình dung rõ hơn về nhật thực khi quan sát từ sao Hoả.

Phobos là một trong hai mặt trăng của sao Hỏa. Bề mặt Phobos có nhiều hố lớn và các đường rãnh, được cho là vết tích do va chạm với tiểu hành tinh cổ đại. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho rằng các đường rãnh này là các hẻm núi chứa đầy bụi do mặt trăng này bị lực hấp dẫn của hành tinh đỏ kéo giãn.

Phobos có đường kính 27 km tại điểm rộng nhất của nó và quay quanh Hỏa tinh ở khoảng cách 6.000 km. Vệ tinh tự nhiên còn lại của sao Hỏa, Deimos, có kích thước nhỏ hơn.

Phobos được cho là đang từ từ rơi xuống bề mặt Hỏa tinh với tốc độ 1,8 m sau mỗi 100 năm, theo NASA .

Hải Nguyên (theo CNET)