- Trước những
ý kiến trái chiều về mức trọ cấp
cho giáo viên nghỉ hưu, sáng 25/10, Bộ GD-ĐT đã họp Tổ biên tập dự thảo gồm đại
diện Hội Cựu giáo chức và các Bộ ngành liên quan để xem xét lại. Có một số
phương án được đưa ra bàn thảo, tuy nhiên chưa có kết luận cuối cùng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Kim Tự, phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, buổi làm việc từ sáng sớm đến 12 giờ trưa đã có nhiều vấn đề đặt ra phải xem xét. Các phương án đưa ra vẫn còn tranh cãi.
Ảnh minh họa |
"Trước đó, Ban soạn thảo cũng nhận được nhiều ý kiến từ Hội cựu giáo chức, các Chi hội cựu giáo chức...về mức trợ cấp dự thảo đưa ra. Sau khi xem xét các ý kiến Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cẩn thận để có tiếp thu" - ông Tự cho biết. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh phần tiếp thu giải trình phải trên cơ sở cầu thị.
Dự thảo quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu của Bộ GD-ĐT trình làng ngày 4/10 đã có ý kiến cho rằng, đề xuất của Bộ đã làm cho Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Quốc hội vênh nhau.
Sự vênh nhau được GS Nguyễn Xuân Hãn dẫn dụ, ngày 1/5/2011, Chính phủ ra Nghị định số 54/2011/NĐ-CP giải quyết thâm niên cho GV hiện đang giảng dạy. Nghị quyết 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về giải quyết thâm nhiên cho GV đã nghỉ hưu” từ 1/1/1994 đến 1/5/2011.
Nhưng Bộ GD-ĐT trình phương án theo kiểu bình quân: các nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1/1994 đến tháng 12/1998 được trợ cấp 2 triệu đồng/người; các nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1/1999 đến tháng 12/2003 được trợ cấp 3 triệu đồng/người; các nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1/2004 đến tháng 5/2011 được trợ cấp 3,5 triệu đồng/người.
Dự toán ngân sách chi cho chế độ này theo các mức trên, khoảng 565 tỉ đồng và nhà giáo được hưởng một lần.
Cách tính như vậy chưa bàn đến mức trợ cấp thâm niên, nhưng thâm niên cho GV đang đứng lớp được tính theo thời gian từ 1/5/2011 về sau, còn thâm niên cho GV nghỉ hưu lại tính theo thời gian về trước theo phương châm “hồi tố” là không công bằng và không cùng một nguyên tắc gây nhiều tâm tư cho đội ngũ giáo viên.
Về vấn đề đặt ra, ông Tự cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các Vụ, cục chức năng của các Bộ/ngành liên quan để có quyết định cuối cùng.
Quyết định cuối cùng được thông qua sẽ có khoảng 190.000 nhà giáo được hưởng trợ cấp.
- Kiều Oanh