- Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc các trường xét tuyển theo nhóm không chỉ có lợi cho chính các trường mà còn có lợi cho thí sinh, giúp việc tuyển sinh ĐH trở nên nhẹ nhàng hơn và Bộ khuyến khích điều này.
Ông Ga khẳng định điều này tại cuộc họp về tuyển sinh theo nhóm trường miền Bắc với sự tham gia của 41 cơ sở đào tạo ĐH từ Hà Tĩnh trở ra, được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sáng 8/5.
Theo Thứ trưởng Ga, cho tới nay, vấn đề lớn nhất trong việc xét tuyển của các trường là các trường sẽ rất khó biết thí sinh trúng tuyển vào trường mình có thể trúng tuyển vào trường nào khác nữa để đưa ra điểm chuẩn chính xác.
"Phần mềm của Bộ chỉ lọc một lần dữ liệu các trường đưa lên để loại ra những thí sinh đã trúng tuyển vào nguyện vọng cao hơn. Do các trường không thảo luận được với phần mềm của Bộ nên rất khó chọn điểm chuẩn bao nhiêu cho vừa vì mỗi trường chỉ biết thí sinh đăng ký vào trường mình thôi" - ông Ga nói.
"Vì vậy, việc lập nhóm xét tuyển là rất quan trọng".
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị sáng 8/5. Ảnh: Lê Văn. |
Thống kê cũng cho thấy, hầu hết thí sinh đăng ký theo 2 nhóm, hoặc là các trường phía Nam hoặc là các trường phía Bắc, số lượng thí sinh từ phía Nam đăng ký ra các trường phía Bắc hay ngược lại rất ít.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã khuyên các trường phía Nam từ Quảng Bình trở vào lập nhóm xét tuyển chung do ĐHQG TP. HCM và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM chủ trì và các trường từ Hà Tĩnh trở ra lập nhóm xét tuyển phía Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì.
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, trong quy chế không quy định việc các trường phải lập nhóm xét tuyển và việc tham gia nhóm là tự nguyện. Tuy vậy, quy chế, Bộ cũng đã dành ra thời gian 3 ngày, từ 25-28/7 để các nhóm tổ chức xét tuyển chung trước khi chạy phần mềm xét tuyển của Bộ vào 28/7.
Theo đó, việc xét tuyển theo nhóm sẽ chạy cơ sở dữ liệu chung của tất cả các trường trong nhóm, thậm chí cơ sở dữ liệu của cả nước để đưa ra điểm chuẩn dự kiến của các trường. Sau khi việc xét tuyển theo nhóm đã xong, các trường đưa ra điểm chuẩn dự kiến sẽ gửi dữ liệu lên Bộ để Bộ tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo một lần nữa giữa 2 nhóm Nam - Bắc và các trường ngoài nhóm.
Việc xét tuyển vẫn là do các trường chủ động, Bộ không can thiệp và nhóm xét tuyển cũng không can thiệp. Các trường tự chọn điểm chuẩn phù hợp, điều chỉnh thông số tuyển chọn phù hợp với các ngành nghề. Nhóm chỉ cung cấp thông tin để giúp các trường xác định điểm chuẩn phù hợp nhất.
"Với việc xét tuyển như vậy thì các trường có thể yên tâm rằng khi một thí sinh trúng tuyển thì thí sinh đó chỉ có thể vào trường mình hoặc bỏ không học chứ không trúng tuyển 2 nơi khác nhau" - ông Ga khẳng định.
Ông Ga cũng cho biết, việc xét tuyển theo nhóm không chỉ có lợi cho các trường mà còn có lợi cho thí sinh. "Nếu như trường ở ngoài nhóm, chúng ta gọi thí sinh nhưng không biết thí sinh đó trúng đã trúng tuyển vào trường khác. Như vậy nhưng em này sẽ chiếm chỗ của những em khác đáng lẽ trúng tuyển vào trường mình".
Lọc ảo thế nào?
Việc các trường tham gia xét tuyển theo nhóm với cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp các trường lọc ảo tốt hơn khi lọc được những thí sinh trúng tuyển vào các trường khác trong nhóm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảo khác ảnh hưởng tới việc xét tuyển như thí sinh đăng ký vào các trường công an, quân đội, thí sinh tuyển thẳng, thí sinh tuyển bằng học bạ…
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ ĐH cho biết, tại cuộc họp của các trường ĐH phía Nam diễn ra cách đây vài hôm đây cũng là vấn đề được nhiều trường thắc mắc nhất. Tuy nhiên, các trường cũng đã đi đến thống nhất chung.
Theo bà Phung, đối với các trường hợp học sinh trúng tuyển nhưng đi du học, tuyển thẳng thì thường rơi vào các trường ĐH tốp trên và cũng không nhiều, không ảnh hưởng quá lớn đến việc xét tuyển.
Đối với những trường tốp trên xét tuyển theo học bạ cũng không nhiều. Tuy nhiên, Bộ sẽ làm việc để các trường này kết thúc xét tuyển theo học bạ trước khi việc xét tuyển theo nhóm bắt đầu để có thể loại thí sinh này ra khỏi dữ liệu xét tuyển chung.
Đối với các trường công an và quân đội, bà Phụng cho biết, Bộ đã làm việc để các trường thuộc 2 khối này cung cấp dữ liệu trúng tuyển cho 2 nhóm để việc lọc ảo tốt hơn.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc. Ảnh: Lê Văn. |
Bổ sung vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí cho biết, năm nay, chỉ tiêu của 2 khối trường công an và quân đội giảm mạnh, nến số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường này sẽ không lớn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã làm việc và phía các trường công an, quân đội cũng đã khẳng định cung cấp dữ liệu dự kiến vào ngày 25/7 và tới ngày 28/7 thì sẽ có dữ liệu chính xác để các nhóm thực hiện xét tuyển.
Đối với những thắc mắc về một số trường có các chỉ tiêu xét bằng học bạ, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí cho biết, thường những trường xét chỉ tiêu học bạ là những trường ở top dưới, điểm trúng tuyển thường bằng với điểm sàn của Bộ GD quy định nên chỉ tiêu học bạ của những trường này không ảnh hưởng lớn đến việc xét tuyển chung.
Lo lắng về cơ sở hạ tầng
Nhiều ý kiến tại hội thảo lo lắng rằng, năm ngoái, nhóm GX chỉ có 12 trường nhưng năm nay, hình thành nhóm miền Bắc với số lượng trường lên tới 40, thậm chí có thể lớn hơn thì liệu phần mềm chạy dữ liệu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể đáp ứng được hay không.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, năm nay số lượng trường đông hơn năm ngoái nhưng số lượng thí sinh đăng ký thì chỉ nhiều hơn gấp đôi hoặc gấp 3 năm ngoái vì vậy cơ sở hạ tầng hoàn toàn có thể đáp ứng được.
"Năm ngoái chúng tôi định chạy trên một server riêng nhưng cuối cùng chỉ chạy trên một chiếc máy tính xách tay và mỗi lần chạy chỉ vài chục giây là xong" - ông Sơn khẳng định.
Việc chạy phần mềm dữ liệu để đưa ra điểm chuẩn dự kiến sẽ giống như việc xét tuyển ở một trường lớn với tất cả các nguyện vọng, ngành, nhóm ngành của tất cả các trường tham gia nhóm.
Ông Sơn cũng cho biết, sau hội thảo sáng nay, các trường sẽ xác nhận tham gia nhóm bằng văn bản đồng thời nhóm xét tuyển cũng không hạn chế các trường tham gia.
Lê Văn