Giới lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Trung Quốc đang ngày càng coi sự cạnh
tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc chơi bên được, bên mất và về lâu dài
Trung Quốc sẽ thắng nếu kinh tế và hệ thống chính trị nội bộ của Mỹ tiếp tục lầm
lỡ, một nhà phân tích chính sách người Trung Quốc có ảnh hưởng nhận xét.
TT Mỹ Obama và Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp tháng trước tại Seoul, Hàn Quốc
Trung Quốc coi Mỹ là một cường quốc đang xuống dốc, nhưng cùng lúc đó cũng tin rằng Washington đang cố chống lại việc bị suy yếu, thậm chí là bị sụp đổ. Trong khi đó, sự phát triển về kinh tế và quân sự lại chỉ ra rằng Trung Quốc đang trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhà phân tích Wang Jisi, đồng tác giả chuyên khảo "Giải quyết sự ngờ vực chiến lược Mỹ Trung", sẽ được Viện Brookings ở Washington và Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược thuộc trường đại học Bắc Kinh xuất bản trong tuần này.
Ông Wang, nhân vật có cái nhìn của người trong cuộc về chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ vị trí của mình trong ban cố vấn của đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao, đã đóng góp một đánh giá về chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ. Kenneth Lieberthal, giám đốc Trung tâm John L.Thornton chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Brookings đồng thời là cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Bill Clinton đã viết về thái độ của Washington đối với Trung Quốc.
Trong một kết luận chung, hai tác giả trên cho biết, mức độ nghi ngờ chiến lược giữa hai nước sẽ trở thành chất ăn mòn nếu không được hiệu chỉnh và kết quả là hai nước có nguy cơ trở thành địch thủ của nhau.
Mỹ từ lâu đã không còn được coi là nỗi khiếp sợ hoặc sự tin cậy, hay hình mẫu của thế giới nên những lời cảnh báo với Trung Quốc vì thế phải giảm bớt", ông Wang viết về nhận định chung của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Đối lập với nó, Trung Quốc ngày càng tự tin hơn trong những tiến bộ về kinh tế và quân sự, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách quyền lực kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu. Năm 2003, ông Wang lập luận, GDP của Mỹ lớn gấp 8 lần Trung Quốc nhưng hiện giờ chỉ có 3 lần.
Những nhận xét thẳng thắn mà ông Wang viết ra đã thu hút được sự quan tâm vì sự ảnh hưởng cũng như khả năng tiếp cận của ông ở Washington lẫn Bắc Kinh. Ông Wang, giám đốc trường nghiên cứu quốc tế tại đại học Bắc Kinh đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại trường đại học quốc phòng của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, là người có thể tiếp cận với các nhà làm luật cấp cao của Mỹ, khiến ông có được những thông tin hiếm về quan điểm của cả hai nước. Ông Wang nói, ông không tìm kiếm sự phê chuẩn hay hỏi ý kiến của chính phủ Trung Quốc khi viết nghiên cứu này.
Cả ông Wang và Lieberthal đều cho rằng phía dưới phần nổi trên mặt, cả hai nước đều nhận thấy những nguy hiểm sâu sắc và đe dọa trong chính sách của đối phương.
Ông Wang viết, giới lãnh đạo Trung Quốc, được các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và hệ thống giáo dục ủng hộ, tin rằng bước ngoặt của Trung Quốc trên thế giới đã tới và Mỹ đang ở phía sau của lịch sử. Thời kỳ khiêm tốn - tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào năm 1989 và tiếp tục được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp tục cho tới giờ, sẽ không còn tồn tại lâu, ông Wang cảnh báo.
"Hiện giờ có một câu hỏi rằng bao nhiêu năm nữa, chứ không phải bao nhiêu thập niên nữa, trước khi Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới", ông Wang cho hay.
Những thành công về mặt tài chính của Trung Quốc, khởi nguồn là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và việc tổ chức các sự kiện lớn như Olympic Bắc Kinh vào năm 2008, Expo Thượng Hải năm 2010 đã đối lập với sự thâm hụt "đáng báo động", sự hồi phục kinh tế chậm chạp và chính trị nội bộ bị phân cực của Mỹ, Wang nhận xét.
Wang không đề cập tới sức mạnh vũ khí của Mỹ nhưng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã phát triển tên lửa tối tân, công nghệ vũ trụ và hệ thống vũ khí tinh vi mà không cần Mỹ. Trước cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh, và những mối lo rằng Mỹ sẽ bị hất cẳng khỏi các vị trí quan trọng trên thế giới, Washington đã tham gia vào các hoạt động như đẩy mạnh do thám bằng máy bay và tàu dọc biên giới Trung Quốc, khiến người Trung Quốc và đặc biệt là quân đội nước này tức giận, ông Wang viết.
Việc thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc của các tổ chức phi chính phủ được Mỹ hậu thuẫn bị coi là một nỗ lực "phương Tây hóa" Trung Quốc và làm suy yếu đảng Cộng sản Trung Quốc, Wang viết. Hiện, Trung Quốc ngày càng tự tin rằng về lâu dài nước này sẽ thắng Mỹ.
Tại một hội thảo diễn ra vào tuần trước ở đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh - nơi viện Brookings tài trợ cho một trung tâm nghiên cứu ở đây, ông Lieberthal nói, tại Mỹ cũng như Trung Quốc, ngày càng có nhiều người tin rằng hai nước sẽ đối lập với nhau trong 15 năm nữa. Điều đó có nghĩa là hai nước sẽ chi nhiều tiền cho quân sự để chống lại nhau và trường hợp xấu nhất là sẽ có xung đột vũ trang.
- Hoài Linh (Theo NYTimes)