"Nếu em có quyền được thay đổi
hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em mong ước rằng bạo lực gia đình sẽ
không còn nữa... để dòng nước mắt sẽ không còn trên đôi mi em, để các em có thể
nở những nụ cười rạng rỡ không vướng chút ưu tư".
Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay
của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em
Việt Nam?". Tác giả: Phạm Thuỳ Trang - Học sinh lớp 11 Văn THPT Chu Văn An.
Nụ cười trong veo nở trên đôi môi
em kia, sáng trong như nắng ban mai. Thế nhưng, trên cánh tay nhỏ nhắn và bắp
chân của em, hằn lên những vết đòn roi sau những lần bố say rượu. Những lần như
vậy, em chỉ biết nén dòng nước mắt trong run rẩy, vì nếu bố thấy em khóc, bố sẽ
lại đánh thêm nữa...
Không chỉ riêng em, mà rất nhiều
trẻ em đặc biệt là các bé gái đã và đang phải hứng chịu những hành động bạo hành
gia đình tương tự. Các em là nạn nhân của sự thô bạo trong gia đình, chịu sự tổn
thương về mặt thể xác, tinh thần trong một thời gian dài. Xót xa thay cho những
em bé ngây thơ, vô tội ấy đang bị những trận đòn roi vô cớ, hứng chịu sự xúc
phạm nặng nề từ chính những người thân yêu của mình. Các em - những mầm non của
đất nước ấy chẳng thể lớn lên trong tình yêu thương vẹn toàn của cha mẹ, mà
trong những giọt nước mắt, những trận đòn roi và những vết thương thể xác chẳng
thể xoá nhoà...
Ông bà ta có câu: "Yêu cho roi
cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Thế nhưng, biết bao thập kỉ đã trôi qua, quan
niệm cũ ấy phải chăng cần được thay đổi? Trẻ em phải được lớn lên bằng tình yêu
của gia đình, của xã hội, bằng sự quan tâm, chăm sóc, lòng vị tha của những
người xung quanh. Những roi, những vọt về lâu về dài chỉ khiến nhân cách em bị
tổn thương, bị ám ảnh những nỗi đau tinh thần vĩnh viễn mà thôi.
Bạo hành gia đình có thể đến từ
những hành động làm tổn thương thân thể như đánh đập, gây thương tích... hay gây
tổn thương về nhân cách như mắng mỏ nặng nề, xúc phạm và coi thường các em.. Có
thể những hành vi ấy là do một phút nóng giận của người lớn, hay do phương pháp
giáo dục cũ kĩ, những quan niệm sai lầm đã ăn sâu vào tiềm thức. Thế nhưng dù vì
bất cứ lý do gì, hành động bạo hành này cũng là hoàn toàn sai lầm. Không những
làm tổn thương các em, mà còn để lại những vết sẹo không thể nào chữa lành trong
tâm hồn con trẻ. Rất có thể, những đứa trẻ ngây thơ ấy sẽ bị ám ảnh về nỗi đau
ấy trong một thời gian dài, thậm chí bị ảnh hưởng tới tính cách. Các em sẽ trở
nên chai lỳ, lầm lũi trong chính tổ ấm không hạnh phúc ấy, hay nhiễm sự nóng
nảy, cáu bẳn và thích sử dụng bạo lực !
Nếu em có quyền được thay đổi
hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em mong ước rằng bạo lực gia đình sẽ
không còn nữa. Để các em có thể thoải mái, vô tư sống đúng như độ tuổi của mình.
Để dòng nước mắt sẽ không còn trên đôi mi em, để các em có thể nở những nụ cười
rạng rỡ không vướng chút ưu tư, hệt như lời bài hát :
"Nụ hoa mang hương thơm bay vào
dòng đời bao trẻ thơ,
Và em thơ sẽ hết những đau buồn.
Bình minh chiếu sáng ánh rạng ngời,
Mùa xuân đến rồi thật dễ thương..."
Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?" |
Chủ đề: "Nếu em có quyền được
thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì
vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Điều kiện dự thi: Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi Bài dự thi gửi về: Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội Hoặc email: quyentreem@vietnamnet.vn Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011 Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích. Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet. Ngày trao thưởng: 1/6/2011. |