Chuyển cách thức hỗ trợ

Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo đạt được trong thời gian qua, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại giao lưu trực tuyến “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống” cho biết: có một dấu ấn đáng ghi nhận là chúng ta bắt đầu chuyển cách thức hỗ trợ người nghèo.

Từ cách thức hỗ trợ theo hình thức áp đặt từ trên xuống, chúng ta chuyển hướng sang tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế hướng dẫn thực hiện và giao phân cấp mạnh cho địa phương, cộng đồng tổ chức thực hiện. Tất nhiên, có thể kết quả đạt được chưa nhiều nhưng đây là một bước để chúng ta thay đổi cách thức hỗ trợ. Bởi vì, kể cả chúng ta có nguồn lực, chính sách, nhưng người dân không chấp nhận nguồn lực, chính sách này thì chắc chắn hiệu quả đạt được cũng không cao.

Ông Ngô Trường Thi nhấn mạnh, có thể chúng ta vẫn chưa hài lòng về việc thiết kế chính sách. Nhưng vì chính sách phải lâu dài, không thể thay đổi trong một vài ngày. Quốc hội và Chính phủ đã có chỉ đạo phải hạn chế, chấm dứt những chính sách hỗ trợ cho không, tạo sự ỷ lại, trừ các chính sách trợ cấp đột xuất, hỗ trợ thiên tai, lũ lụt, bảo đảm an sinh xã hội... Còn lại các chính sách giảm nghèo phải theo hướng chuyển sang hỗ trợ có thời gian, điều kiện, hoàn trả, để phát huy tính chủ động vươn lên của người nghèo.

Không chỉ có vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số địa phương đã và đang xuất hiện mô hình hỗ trợ cộng đồng. Chúng ta không hỗ trợ trực tiếp từng đối tượng nữa mà hỗ trợ cộng đồng. Mô hình này tạo sinh kế, từng bước gắn với khởi nghiệp, thị trường, tham gia chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, chống thực phẩm giả... đặc biệt là phát huy nội lực của chính người dân. Và phù hợp bản sắc văn hóa của từng nhóm dân tộc. Nếu chúng ta làm từ trên xuống, mỗi cộng đồng có một đặc điểm, bản sắc văn hóa khác nhau. Nhưng chỉ cần tạo cơ chế và giao cho cộng đồng, cộng đồng sẽ biết làm như thế nào hiệu quả nhất. Cộng đồng sẽ giám sát thực hiện chính sách và họ sẽ làm rất tốt.

{keywords}
Cách thức mới giúp phát huy nội lực của chính người dân và phù hợp bản sắc văn hóa của từng nhóm dân tộc - Hình minh họa

Quan trọng là không để tái nghèo nhanh trở lại

Liên quan tới việc thời gian quan, có tình trạng hộ nghèo tăng trở lại, tình trạng tái nghèo xuất hiện ở nhiều địa phương, ông Ngô Trường Thi chia sẻ chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, tái nghèo và phát sinh nghèo mới luôn là một khía cạnh trong lĩnh vực giảm nghèo, hoặc có những hộ từ trước đến nay chưa từng được nghèo nhưng họ lại rất nghèo. Đó là câu chuyện rất bình thường, chúng ta không nên nghĩ theo một hướng cực đoan chỉ có thoát nghèo chứ không có hộ nghèo và không có tái sinh nghèo. Tuy nhiên, tái nghèo, phát sinh nghèo ở mức độ như thế nào là phù hợp.

Nếu như giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo của chúng ta bình quân một năm khoảng 12% trên tổng số hộ thoát nghèo thì giai đoạn này chúng ta chỉ còn có hơn 5%, mặc dù thiên tai xảy ra rất nhiều.

Trong thực tế, hai năm vừa qua, thiên tai liên tục xảy ra tại các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn nhưng tỷ lệ tái nghèo không lớn, song tỷ lệ phát sinh nghèo lại tương đối lớn với gần 23% trên tổng số hộ. Nguyên nhân đối với hộ tái nghèo do thiên tai, rủi ro trong cuộc sống. Nhưng hộ phát sinh nghèo lại nằm rất nhiều ở những khu vực đông dân. Mặc dù tỷ lệ địa bàn này không nhiều nhưng quy mô số hộ nghèo lại lớn và nhu cầu tách hộ là nhu cầu rất bình thường của người dân; do những rủi ro như thảm họa, thiên tai trong cuộc sống, do sản xuất kinh doanh.

Sau khi có giám sát của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có ngay văn bản chỉ đạo ngay. Đề nghị các địa phương rà soát kỹ những đối tượng hộ nghèo có thành viên là người có công và dứt khoát bằng mọi cách chậm nhất đến cuối năm 2019 cả nước không còn đối tượng này nữa. Và yêu cầu các địa phương rà soát và thẩm định kỹ những trường hợp phát sinh nghèo, phải chỉ ra nguyên nhân, chứ không phải cứ rà soát ở dưới và báo cáo lên trên.

Tuấn Anh