Những ngày gần đây, các loại xoài đổ bộ thị trường với số lượng lớn. Không chỉ xoài Việt mà xoài nhập khẩu cũng bày bán tràn ngập. Song, giá xoài nội địa và xoài nhập khẩu lại có sự chênh lệch rất lớn.
Tại các cửa hàng trái cây nhập khẩu, xoài đỏ Đài Loan hay xoài đỏ Nhật (xoài trứng Mặt trời) có giá siêu đắt đỏ. Theo báo giá của một cửa hàng trái cây nhập khẩu tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), xoài Đài Loan giá từ 500.000-550.000 đồng/kg tùy loại; xoài đỏ Nhật bán theo quả với giá 2,1-2,5 triệu đồng/quả (trọng lượng 0,5-0,8 kg/quả).
Nhân viên cửa hàng này cho biết, đây đều là những loại xoài cao cấp của Đài Loan và Úc. Chúng được các nhà vườn trồng và chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt để trái xoài có chất lượng thơm ngon nhất nên giá vô cùng đắt đỏ. Thời điểm này năm ngoái, những trái xoài đỏ như vậy trên thị trường không nhiều, khách mua phần lớn phải đặt trước. Năm nay, lượng xoài đổ về nhiều hơn. Tại cửa hàng, xoài đỏ lúc nào cũng có sẵn.
Nhân viên này cũng tiết lộ, dù xoài Đài Loan và Nhật Bản rất kén khách do giá cao, song vẫn tiêu thụ tốt. Một ngày cửa hàng có thể bán hết vài chục cân xoài Đài Loan, còn riêng xoài Nhật tiêu thụ được khoảng 30-40 quả.
Trên thị trường, chỉ có xoài kim cương nhập khẩu từ Thái Lan đang bán với mức giá rẻ như rau, dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg.
Hiện xoài Việt cũng vào mùa thu hoạch nên hàng bắt đầu dội chợ. Đáng chú ý, loại quả là đặc sản thế mạnh của nước ta đang có giá rẻ như bèo. Cụ thể, xoài hạt lép Đài Loan giá chỉ từ 6.000-10.000 đồng/kg, xoài hạt lép An Giang 8.000 đồng/kg, xoài keo vàng 8.000-12.000 đồng/kg, xoài tứ quý chỉ 7.000-15.000 đồng/kg.
Riêng loại xoài Cát Chu vàng và xanh hàng Vip giá cũng chỉ ở mức 29.000-45.000 đồng/kg.
Đây là mức giá các cửa hàng bán theo set 3-10kg, hoặc bán theo thùng 15-20kg.
Theo các đầu mối, do đang vào chính vụ thu hoạch nên chất lượng xoài luôn ngon nhất, khách cũng đặt mua tương đối nhiều.
Chị Lê Thanh Mỹ, chủ cửa hàng trái cây ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, giá xoài Việt rẻ không phải chuyện mới lạ, song nhiều loại xoài giá rẻ cùng một thời điểm như hiện tại thì rất hiếm.
Cửa hàng của chị bán 3 loại xoài gồm xoài hạt lép An Giang, xoài keo vàng, xoài Cát Chu. Trong đó, loại rẻ nhất có giá 7.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 29.000 đồng/kg. Một ngày chị có thể bán hết gần 1 tấn xoài các loại.
Một hệ thống siêu thị lớn cũng chạy chương trình khuyến mãi giảm 50% giá các loại xoài. Theo đó, xoài Cát Chu vàng được bán với giá 22.500 đồng/kg, loại xanh giá 17.500 đồng/kg; xoài Đài Loan giá 11.200 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc loại 37.500 đồng/kg.
Sản lượng gần triệu tấn, xoài Việt khó bán giá cao
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, khẳng định, do sản lượng nhiều nên xoài Việt khó bán giá cao.
Ở nước ta, xoài là cây trồng chủ lực. Năm 2022 tổng diện tích trồng xoài cả nước đạt 115.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn.
Hiện, xoài Việt (gồm xoài 3 màu, xoài keo và xoài Cát Hoà Lộc) vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Song, vụ thu hoạch xoài của nước ta trùng với bên Trung Quốc nên khó bán sang thị trường này. Chưa kể, năm 2022, xoài Campuchia được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc với hạn ngạch hoảng 500.000 tấn/năm cũng khiến xoài Việt khó cạnh tranh tại thị trường hơn tại 1,4 tỷ dân này, ông nói.
Về chuyện giá xoài nhập khẩu có giá siêu đắt đỏ, trong khi xoài nội địa giá rẻ như bèo, ông Nguyên cho rằng, thị trường có nhiều phân khúc khác nhau. Xoài Nhật hay xoài Đài Loan nằm ở phân khúc cao cấp, tuy giá đắt đỏ nhưng lượng tiêu thụ không nhiều. Còn xoài Việt đổ đống tại chợ, tràn ngập trong siêu thị, la liệt trên vỉa hè thì giá khó cao vì nằm ở phân khúc bình dân giá rẻ.
“Nhiều người mua trái xoài đỏ giá vài triệu đồng vì thương hiệu, muốn ăn thử hoặc họ mua biếu tặng. Xoài Việt yếu cả khâu mẫu mã lẫn thương hiệu nên khó chen chân vào phân khúc cao cấp này”.
Ông cũng chỉ rõ, tâm lý người nông dân thích trồng trái cây phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng thích làm hàng xuất khẩu số lượng lớn để đảm bảo lợi nhuận ổn định. Rất ít doanh nghiệp chú tâm làm hàng phục vụ thị trường nội địa. Khi thị trường xuất khẩu gặp khó, DN mới đưa hàng quay về tiêu thụ trong nước. Đây là một phần lý do trái cây Việt, trong đó có xoài, gần không có chỗ đứng ở phân khúc cao cấp ngay trên ''sân nhà''.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng nhiều lần đề cập đến câu chuyện làm thương hiệu cho nông sản. Bởi ông cho rằng, người tiêu dùng giờ không chỉ cần ăn no mà cần ăn ngon, có nhu cầu mua làm quà biếu tặng. Do đó, nông dân và doanh nghiệp cần chuyển đổi làm hàng để phục vụ phân khúc này.
"Nếu nông dân bán xoài ở Đồng Tháp mà chỉ biết bán xoài thì chưa giàu được. Nông dân phải biết bán hình ảnh, bán chữ tín của mình gắn với sản phẩm xoài thì mới thu được giá trị cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đỗ Trang