Các trường THPT hiện phải đổi mới theo phương pháp dạy tích hợp, liên môn từ năm học này để năm 2017 đáp ứng yêu cầu thi tích hợp một số môn trong kỳ thi THPT quốc gia, trong khi sách giáo khoa, chương trình chưa đổi.

Theo chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, ngay từ học kỳ I năm học này, ở khối lớp 10 và 11, mỗi môn học phải tổ chức ít nhất một tiết dạy theo hướng tích hợp và số tiết tăng dần ở học kỳ II.

Soạn lại toàn bộ giáo án

Theo chủ trương dạy tích hợp, liên môn, các giáo viên (GV) phải xem xét, rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu, đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới, phù hợp. Nội dung của phương pháp dạy tích hợp, liên môn cũng yêu cầu GV cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học trong chương trình hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh...

  {keywords}

Dạy tích hợp, liên môn, giáo viên vất vả hơn so với dạy chuyên môn. Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THPT Marie Curie, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh.

Ông Lê Tấn Lĩnh, GV môn Địa lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho biết theo chủ trương này, mỗi GV sẽ tự tìm hiểu hoặc nhờ các GV bộ môn khác phối hợp để có một bài giảng tích hợp, liên môn.

Chẳng hạn như môn Địa, với bài học về “địa hình núi đá vôi” thì ngoài kiến thức môn Địa, GV phải vận dụng thêm kiến thức của môn hóa để giải thích. Trong yêu cầu về tích hợp này, còn yêu cầu bài học phải có tính ứng dụng, vận dụng cho học sinh. “Để có một bài giảng tích hợp, GV phải soạn lại toàn bộ giáo án. GV cực hơn rất nhiều trong khi SGK hiện nay chưa đổi, chưa giảm tải và quá nặng về kiến thức. Đó là chưa kể cách đánh giá, thi cử hiện nay chưa thay đổi thì GV nào đủ mạnh mẽ đổi mới?”.

Ông Lương Công Thắng, GV môn hóa Trường THPT Nhân Việt, cho rằng với phương pháp dạy tích hợp, GV cực hơn vì lâu nay được đào tạo để dạy chuyên môn chứ không phải liên môn. Hơn nữa, mỗi đối tượng phải có một giáo án riêng phù hợp năng lực tiếp thu của học sinh. Soạn một giáo án mới tốn rất nhiều thời gian so với phương pháp dạy cũ.

Cần giáo viên các môn hợp tác

Ở góc độ khác, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho rằng để soạn được một bài giảng tích hợp, GV phải chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức liên môn thì tinh thần hợp tác giữa các GV là vô cùng quan trọng, cần bỏ bài nào, bài nào cần đào sâu, bài nào có kiến thức liên quan để phối hợp, hỗ trợ nhau.

Ông Lê Tấn Lĩnh lấy ví dụ chẳng hạn như lớp 10, trong bài “Hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của trái đất”. Theo hướng tích hợp, nội dung này sẽ có kiến thức liên quan đến bài “Chuyển động tròn đều” của môn vật lý. Nhưng nội dung này, môn vật lý học sau môn địa 1 tháng. Nếu GV không hợp tác với nhau thì việc dạy học sẽ trùng lắp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, bày tỏ: “Từ những năm học trước, tôi đã tiến hành dạy các tiết ngữ văn theo hướng chủ đề, tích hợp nhưng nhiều GV khác lại cho đó là cách dạy lan man, nói chuyện ngoài lề. Vì thế, việc đầu tiên phải khiến GV hiểu rõ về quan điểm tích hợp. Đơn cử, đối với môn văn, với một chủ đề văn chương, cần phải tìm hiểu thêm kiến thức về lĩnh vực khác. Ví dụ khi dạy bài Việt Bắc thì GV ngữ văn cũng phải biết đó là vùng miền nào để còn giải thích cho học sinh.

Phải thoát khỏi “gông thành tích”

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng mấu chốt của vấn đề là làm sao để GV thoát khỏi “gông thành tích”. Chỉ khi nào GV không bị áp lực trong lớp phải có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu khá, bao nhiêu vào được ĐH... để được thoải mái, sáng tạo trên các sản phẩm và bài giảng của mình, thoát hẳn khỏi tư tưởng học để thi, dạy để lấy thành tích thì GV sẽ đủ tinh thần, trách nhiệm, cùng nhau nhìn về một hướng để đào tạo học sinh một cách toàn diện nhất.

Theo Đặng Trinh - Người lao động