- Trên một số trang web thời gian gần đây rộ lên thông tin: lượng mỡ thừa lấy ra từ cơ thể người sau các phẫu thuật giảm béo có thể được tái sử dụng để bơm ngực, căng da mặt và sản xuất mỹ phẩm. Vậy thực hư của việc này thế nào?
TIN BÀI KHÁC

Hiện trên một số trang web có giới thiệu các loại mỹ phẩm làm đẹp, giúp da căng mịn, chống lão hoá ... được chiết xuất từ mỡ người. Đã có những lời rao thu mua mỡ người trên mạng và ở một vài cơ sở thẩm mỹ.

Vào năm 2009, dư luận xôn xao về vụ cảnh sát Peru bắt được một băng nhóm tội phạm bị tình nghi giết người để hút mỡ mang bán cho các trung tâm thẩm mỹ tại thủ đô Lima. Với mỗi lít mỡ người, bọn chúng thu được 15.000 USD.
Những chai mỡ người được cảnh sát Peru thu được trong vụ án giết người để hút mỡ mang bán cho các trung tâm thẩm mỹ (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dùng mỡ thừa lấy ra từ cơ thể người sau các phẫu thuật giảm béo để bơm ngực, căng da mặt và sản xuất mỹ phẩm hiện chưa được nghiên cứu và chưa có bất cứ minh chứng nào cho thấy các loại mỹ phẩm đó mang lại tác dụng cho sắc đẹp con người.

TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết trên báo Sài Gòn tiếp thị, ông chưa từng biết đến chuyện mua bán mỡ người trên internet, cũng như việc trao đổi mỡ ở các cơ sở thẩm mỹ trong nước. Việc sử dụng mỡ để phẫu thuật, tái tạo các vùng da lõm, khuyết trên cơ thể cần có sự kiểm tra, xét nghiệm kỹ càng và phải được tiến hành bởi các trung tâm thẩm mỹ, bệnh viện có chuyên môn cao.

"Mỡ của người nào sẽ được sử dụng cho cơ thể của chính người đó, nếu đem bán hoặc san sẻ cho cơ thể người khác, sai quy trình phẫu thuật có thể gây phản ứng miễn dịch, viêm nhiễm, sưng tấy mạnh, thậm chí dẫn đến tử vong”, BS Tuấn cảnh báo

Cũng trên báo này, BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện có nhiều phụ nữ tìm đến các cơ sở thẩm mỹ nhờ lấy mỡ vùng mông, đùi… của mình để làm to lên vùng ngực. Việc làm đẹp này cần phải rất hạn chế bởi lượng mỡ mỗi lần đưa vào không đủ để làm đầy vùng ngực. Hơn nữa, khi mỡ đưa vào vùng ngực, mô mỡ sẽ được các tổ chức xơ bao bọc xung quanh giống như những khối u nhỏ. Hiện tượng này thường gây ra sự nghi ngờ, nhầm lẫn bệnh tật hoặc bệnh nhân không thể phân biệt mô mỡ với các khối u ung thư. Vì vậy, việc cấy ghép mỡ ở vùng ngực sẽ không an toàn bằng các loại hình phẫu thuật tái tạo khác nên phải rất thận trọng.

Đại tá Bạch Quang Tuyến - Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện TƯ Quân đội 108 trước đó cho biết trên Bee.net.vn rằng, do yếu tố miễn dịch, mỡ của người này tuyệt đối không thể truyền cho người khác, như vậy sẽ gây phản ứng miễn dịch, viêm nhiễm, sưng tấy mạnh, có thể dẫn đến tử vong. Mỡ thừa của người còn được dùng để nuôi cá sấu. Tuy nhiên, việc làm này không được phổ biến.

Hãng thông tấn BBC của Anh cũng từng trích lời các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới cho biết: Mỡ người không có giá trị kinh tế. Mỡ của người này dùng cho người khác có thể gây chết người.

Các chuyên gia y tế cho biết, mỡ người có dạng sền sệt, màu vàng, gần giống mỡ gà. Theo ước tính, với người có trọng lượng 60kg có thể lấy được tối đa 2,4 lít mỡ thừa trong cơ thể. Lượng mỡ này sau khi lấy ra nếu không sử dụng vào lĩnh vực phẫu thuật tái tạo, nghiên cứu tế bào gốc… sẽ được đốt bỏ theo quy trình xử lí bệnh phẩm nói chung tại tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế.

Thái Hòa (tổng hợp)