- Thảo luận về dự luật Đầu tư công chiều nay (27/11), các ĐB đều nhấn mạnh cần chế tài chặt chẽ hơn để làm rõ trách nhiệm trong việc dùng tiền ngân sách.
ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) chỉ ra luật có quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu phê duyệt dự án gây thất thoát, lãng phí.
Nhưng trong các quy định về thẩm quyền phê duyệt thì đó lại là những cơ quan, tổ chức như Quốc hội, HĐND, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì chủ thể phải chịu trách nhiệm khi có chuyện xảy ra là ai, cơ quan hay cá nhân?, ĐB Luyến đặt vấn đề.
ĐB Tô Văn Tám. Ảnh: Minh Thăng |
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đồng tình, cần thiết kế rõ các chế tài chứ không thể đồng nhất cá nhân - tổ chức để rồi khó khăn trong việc quy trách nhiệm như thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), quy trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu nếu lập, phê duyệt các chương trình, dự án sai là cần nhưng chưa đủ.
Xử lý cái sai đó thì sao, vì có những cái sai không thể sửa hay điều chỉnh được, chỉ có thế chấm dứt và không lặp lại, ông Tô Văn Tám nói. Do vậy luật chỉ quy định dừng các chương trình, dự án đó là chưa đủ, vì dừng thì vẫn có thể tiếp tục.
Theo ĐB Kom Tum, phải có chế tài chấm dứt đối với những công trình, dự án phê duyệt đầu tư sai mà không thể sửa hay điều chỉnh được.
Có thể lãng phí vốn đầu tư ban đầu nhưng còn hơn cứ để lãng phí thêm nếu làm tiếp, ông Tám nói. Như vậy hợp lòng dân mà cũng khiến những người phê duyệt phải cẩn thận hơn.
Các ĐB cũng muốn luật bao quát hơn các trường hợp dùng tiền ngân sách để đầu tư.
Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước cần phải được xem xét, thảo luận và đưa vào luật, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) kiến nghị. ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) thì lưu ý luật còn đề cập sơ sài đến hơn 15 tỷ USD đầu tư công ra nước ngoài.
ĐB Trương Văn Vở đề nghị chú ý các các nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ được bảo lãnh, vốn từ xổ số kiến thiết...
ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) thì thấy luật mới tập trung vào các dự án có vốn đầu tư 100% từ ngân sách mà chưa có giải pháp khuyến khích các đối tượng khác tham gia theo hình thức họp tác công tư (PPP).
Ông Quang còn chỉ ra: Luật cũng chưa nói đến trách nhiệm của người cấp phát vốn, trong nhiều trường hợp, việc cấp vốn không đủ hoặc chậm là nguyên nhân khiến công trình, dự án bị chậm tiến độ, một nguyên nhân gây lãng phí.
ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) thì lưu ý các quy định về công khai, minh bạch. Bên cạnh công khai quy hoạch, kế hoạch, chủ trương đầu tư, cần minh bạch cả với từng chương trình, dự án về quy mô, tổng mức đầu tư, tiến độ dự án , ĐB Tân cho rằng có thể công khai qua báo chí và các website của bộ, ngành, địa phương.
Dự thảo luật Đầu tư công sẽ được thảo luận một lần nữa trước khi thông qua vào kỳ họp sau.
Cũng trong chiều nay, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chung Hoàng