Thủ đoạn của các đối tượng là lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân, sau đó sử dụng tài khoản này để liên lạc (bằng cách nhắn tin qua ứng dụng Messenger) với bạn bè, người thân của chủ tài khoản với các nội dung bịa đặt, tạo sự tin tưởng cho bị hại rồi nhờ bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Hack tài khoản facebook để nhắn tin chuyển tiền
Trong thời gian qua, Công an TP. Đồng Hới, Quảng Bình đã nhận được nhiều đơn trình báo, phản ánh của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook. Điển hình, vào ngày 13/7/2020, chị Nguyễn Thị Như Q., trú tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình là nạn nhân của vụ việc bị lừa qua facebook với số tiền 104 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn hack facebook em gái của chị Q. là Nguyễn Ngọc A. (hiện đang sinh sống tại nước ngoài), đối tượng đã dùng messenger của chị A. gọi điện, nhắn tin cho chị Q. để nhờ chị Q. chuyển tiền cho bạn của chị A. tại Việt Nam.
Đơn trình báo của bị hại gửi Công an TP. Đồng Hới vì bị đối tượng xấu lừa đảo chuyển tiền qua mạng xã hội. |
Không mảy may nghi ngờ chị Q. đã chuyển khoản 2 lần, lần đầu là 39 triệu và sau đó chuyển tiếp 65 triệu qua một tài khoản cá nhân được đăng ký tại Quảng Bình. Khi chuyển tiền xong chị Q. nhắn tin lại là đã chuyển tiền thì đối tượng nhắn lại “khoảng 14h ngày mai chị lên mạng để nhận tiền”. Chị Q. điện qua messenger để hỏi thì đã bị chặn liên lạc và sau khi liên lạc bằng hình thức khác với chị Nguyễn Ngọc A. thì chị Q. mới biết mình đã bị lừa.
Mới đây nhất, vào ngày 17/7/2020, tài khoản Facebook của chị Lê Thị Thủy H., ở phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, Quảng Bình bị đối tượng xấu hack và sử dụng tài khoản này nhắn tin cho tất cả bạn bè có trên danh bạ để mượn, nhờ chuyển tiền. Bằng hình thức này đã có 2 người bạn của chị H. đã chuyển qua tài khoản của một người được đăng ký tại TP. Đà Nẵng (do đối tượng này gửi qua tin nhắn để nhờ chuyển tiền) với số tiền 6 triệu đồng.
Cần cảnh giác với những tin nhắn chuyển tiền
Ngoài những thủ đoạn trên, các đối tượng hack tài khoản facebook của những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, nhắn tin nhờ bạn bè, người thân nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin bị hại số tài khoản, số điện thoại sau đó nhắn tin thông báo nhận tiền chứa các đường link giả mạo các dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài (như MoneyGram, Wester Union..vv..).
Những nội dung tin nhắn nhờ chuyển tiền thông qua mạng xã hội facebook. |
Các trang web giả mạo này yêu cầu bị hại nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như: IDD, mật khẩu tài khoản Internet banking, tên, số thẻ…. Sau khi có thông tin tài khoản, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP do ngân hàng cung cấp để thực hiện việc chuyển tiền ra khỏi tài khoản nhằm mục đích chiếm đoạt.
Theo Công an TP. Đồng Hới, Quảng Bình khuyến cáo, để phòng ngừa các đối tượng sử dụng công nghệ cao nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mật khẩu đăng nhập và mã OTP cho người khác, không truy cập vào các đường link “lạ”, khi thực hiện chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho các số tài khoản “lạ” cần gọi điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp cho người có yêu cầu chuyển tiền để xác định không có dấu hiệu lừa. Bên cạnh đó, khi gặp những tình huống trên thì người dân cần cảnh giác và báo ngay cho lực lượng Công an để có biện pháp đấu tranh, xử lý.
Theo Công an Nhân dân