Nhiếp ảnh gia Phạm Quốc Đàn (SN 1964), ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã có hơn 20 năm cầm máy rong ruổi trên nhiều miền quê của đất nước.

Các bức ảnh của anh ghi lại những biến chuyển của tự nhiên và người lao động trong đời sống hàng ngày. Trong đó, có những loạt ảnh về tình mẫu tử của loài chim khiến nhiều người xúc động .

Nhiếp ảnh gia Quốc Đàn cho biết, để phát hiện được chim làm tổ đã là may mắn, bảo vệ, giữ gìn tổ chim ở lại trọn vẹn với mình là niềm vui khó tả đối với người bấm máy.

Thông thường, một tổ chim nở ra phải mất 7 - 15 ngày mới có thể ra ràng (tập bay được).

“Đến nay, tôi không thể nhớ đã chụp được bao nhiêu tổ chim. Nhưng mỗi lần bấm máy cảnh chim mẹ đút mồi cho con tôi đều có nhiều cảm xúc, từ hồi hộp để làm sao chụp được một bức ảnh đẹp, đến thấy rung động trước tình cảm của chim mẹ và chim con.

Xúc động nhất là cảnh chim bố, mẹ về đút mồi cho chim con ăn. Sau đó con đi vệ sinh ra. Chim bố, mẹ lại dùng mỏ gắp phân của con bỏ ra ngoài tổ”, nhiếp ảnh Quốc Đàn xúc động chia sẻ.

Chim rẻ quạt ấp trứng

Nghệ sĩ Quốc Đàn cũng cho biết, việc thể hiện tình cảm của chim mẹ đối với chim con khiến nhiều người phải học hỏi: “Bản thân tôi thấy tình cảm của chim bố, chim mẹ đối với chim con thì không thể nói hết được bằng lời. Tôi cảm giác ở loài chim còn sâu sắc hơn cả con người. Chim bố, chim mẹ lúc con chưa nở ra thì rất nhát. Vậy nhưng, sau khi chim non ra đời, bất kỳ con vật nào tiếp cận cũng bị chim bố, mẹ sà xuống bảo vệ”.

Nhiếp ảnh Quốc Đàn còn chia sẻ, rất nhiều lần anh phải “bật khóc” trong hụt hẫng khi mang máy ra chụp thì tổ chim non đã “biến mất” sau nhiều tuần đeo đuổi. Tổ chim con có thể bị con người bắt hoặc loài thú ăn thịt khác xâm hại, cũng có thể là do chính thiên tai phá huỷ.

“Rất nhiều lần tôi chụp hụt những tổ chim đã săn trước đó hàng tuần, hàng tháng, từ khi chim bố mẹ mới tha rác về làm tổ. Một con chim sinh ra đến lúc trưởng thành phải trải qua rất nhiều giai đoạn, chim bố mẹ không thể lường trước được rủi ro trong cuộc sống.

Có những tổ chim ở dưới lá sen rất chắc chắn và tồn tại đến lúc chim non chào đời được 7 ngày. Bất ngờ, một trận mưa lớn, nước trong hồ sen dâng lên ngập lụt chết cả tổ chim. Lúc đó tôi thật sự tiếc thương. Hay có lúc thấy trẻ con bắt chim tôi lại liên tưởng về tuổi thơ của mình cũng từng như vậy. Lúc ấy tôi thấy rất tiếc và ân hận”, anh Quốc Đàn trải lòng.

Lắng nghe âm thanh xung quanh

Gần đây nhất, một tổ chim rẻ quạt được anh theo đuổi hơn 10 ngày, chụp ảnh từ khi chim đẻ trứng, ấp trứng và nở ra gần 1 tuần ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn). Tổ chim rẻ quạt có 3 con non và chim mẹ miệt mài chăm con hàng ngày. Nhưng sau đó, tổ chim đã tan tác khiến anh rất buồn.

“Buổi chiều xuống vừa tháo máy ra, lắp ống chuẩn bị bấm thì tôi nhìn thấy sợi lá trong tổ xơ lên. Bất chợt tôi nghĩ rằng tổ chim đã bị con gì ăn mất hoặc trẻ con bắt đi. Khi tiếp cận tổ chim, không thấy 3 con chim non nữa, tôi cảm giác hụt hẫng, buồn khó tả.

Đây là tổ chim tôi rất hy vọng sẽ chụp được hình ảnh đẹp, theo dõi con chim non lớn lên từng ngày, từng giờ từ khi đang còn đỏ hỏn đến trưởng thành. Chỉ mong nhìn thấy con chim lớn lên, truyền cành và bay đi thì không ngờ nhận lại kết cục đượm buồn…”, nhiếp ảnh Phạm Quốc Đàn xúc động nói.

Những hình ảnh chim bố, mẹ chăm con non qua ống kính của nhiếp ảnh gia Quốc Đàn:

Về với các con chim non
Chuẩn bị mớm mồi cho con non
Tình mẫu tử của loài chim
Liên tục săn mồi về cho con non
Chim con sắp trưởng thành tự kiếm mồi
Con chim mẹ đỗ trên búp sen đẹp mắt
Tung bay tìm mồi về với con non
Chim ra ràng đỗ trên đài sen
Luôn quan sát mọi âm thanh xung quanh
Nhiếp ảnh gia Quốc Đàn trong một lần tác nghiệp
... và những đứa trẻ ở miền quê 
Đàn cò tìm ăn...
... tung bay giữa đồng ruộng.

Quốc Huy
Ảnh: NVCC