Trong dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quy định tại các điều 57, 58, 59, 60.
So với quy định tương ứng trong bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành tại các điều 48, 49, 50, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được bổ sung quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Chúng tôi cho rằng việc bổ sung nội dung trên là chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, theo quy định tại điều 15 Hiến pháp năm 2013, thì “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Như vậy, bên cạnh những quyền công dân mà người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được hưởng, họ phải thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp.
Thứ hai, điều 10 bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng như điều 15 dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đều quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của xã hội, do vậy, để bảo vệ xã hội, Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứng minh tội phạm và kết tội, xử lý người phạm tội theo quy định của pháp luật. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo là những người chống đối xã hội có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội mà cụ thể là phải tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, khai báo đúng sự thật để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng truy bắt những đối tượng đồng phạm trong vụ án, thu hồi tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt trái pháp luật, xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Thứ ba, chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm, lập công chuộc tội... là khuyến khích, coi đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được quy định tại điều 46 bộ luật Hình sự hiện hành và điều 51 dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Thứ tư, việc quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, dẫn tới hệ quả là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai báo về hành vi phạm tội của mình và đồng phạm; không khai báo về những người bị hại đang trong tình trạng nguy hiểm cần được cứu chữa, giải thoát kịp thời; không khai báo về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang bị tẩu tán..., tức là không thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm đang diễn ra phức tạp hiện nay.
Thứ năm, quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo tại các điều 48, 49, 50 bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đang phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Do vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo tại các điều 48, 49, 50 bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, theo đó người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, ý kiến về những tình tiết liên quan đến vụ án.
Theo Hoàng Trung/Công an nhân dân