- Mặc dù đã hết thời hạn khai thác, đang trong giai đoạn xin cấp phép thăm dò để lập hồ sơ xin cấp giấy phép mới, thế nhưng, HTX Văn Thịnh 2 vẫn ngang nhiên khai thác đá vôi trái phép trong thời gian dài.
Tranh thủ khai thác khi đang thăm dò
Núi Tè (thôn Thắm, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là dãy núi đá vôi có trữ lượng hàng triệu m3, phân bố trên địa bàn rộng vài ngàn hecta.
Mỏ đá vôi này trong những năm qua đang bị khai thác trái phép bởi các doanh nghiệp trên địa bàn.
Điểm mỏ đã hết thời hạn khai thác đá của HTX Văn Thịnh 2 tại xóm Thắm, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, Yên Bái. |
Thượng Bằng La cũng là vùng trồng cam lớn nhất của huyện Văn Chấn. Việc khai thác đá trái phép đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của người dân trong vùng.
Đơn vị khai thác đá trái phép là HTX Văn Thịnh, có trụ sở trên cùng địa bàn huyện Văn Chấn.
Thời điểm PV VietNamNet có mặt tại hiện trường vào ngày 4/5, công trường chế biến đá của đơn vị này vẫn đang hoạt động.
Hai máy nghiền đá vẫn hoạt động liên tục. Máy xúc, các phương tiện vận chuyển vẫn hoạt động trên con đường độc đạo dẫn vào mỏ đá, xuyên qua những vườn cam đang chuẩn bị trổ hoa của người dân trong vùng.
Trước đó, ngày 20/4, UBND huyện Văn Chấn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra hoạt động khai thác đá trái phép tại núi Tè.
Báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 21/4 cho biết: HTX Văn Thịnh được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác đá tại Núi Tè từ ngày 17/3/2009. Sau 3 năm, giấy phép khai thác này hết thời hạn.
Ngày 28/10/2013, đơn vị này có đơn xin cấp phép thăm dò khoáng sản và được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận vào ngày 9/6/2014, thời hạn cấp phép 12 tháng.
Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, trên mặt bằng của hiện trường khai thác đá vẫn còn tồn tại hai hàm nghiền đá, máy xúc, ô tô tải, máy nén khí cùng đá nhỏ thành phẩm. Ngoài ra có có thêm 200-300m3 cát được tập kết tại đây. Có hiện tượng các phương tiện chuyên chở hoạt động tại điểm mỏ.
Khai thác trộm để… cải thiện thu nhập!
Phân trần sự việc, ông Bùi Đình Nam, chủ nhiệm HTX Văn Thịnh 2 giải thích: HTX Văn Thịnh 2 có giấy phép cho phép thăm dò. Hoạt động khoan thăm dò của đơn vị này đã hoàn tất, đã làm hồ sơ xin cấp phép gửi lên UBND tỉnh Yên Bái.
Máy xúc, máy nghiền đá của đơn vị này vẫn đang hoạt động tại thời điểm sáng 4/5. |
“Khi hết thời hạn theo giấy phép, chúng tôi vẫn có máy móc, phương tiện tập kết tại đây vì chưa chuyển đi được. HTX Văn Thịnh phải cử công nhân coi giữ. Để giảm chi phí trả lương cho công nhân, họ có tự ý khai thác đá, số lượng không nhiều, để nghiền đá nhỏ đem bán cho người dân trong vùng làm vật liệu xây dựng” - chủ nhiệm HTX Văn Thịnh 2 thừa nhận.
Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, ông Hoàng Đình Mưu cho hay: UBND xã đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản đơn vị này do khai thác đá trái phép trong thời gian chờ được cấp phép mới.
Ông Mưu cũng cho hay, gần đây nhất, ngày 2/5, xã đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản đối với đơn vị này.
Về việc người dân phản ánh HTX Văn Thịnh 2 nổ mìn trong quá trình khai thác đá trái phép, ông Mưu giải thích: Tại núi Tè, ngoài HTX Văn Thịnh còn có HTX khai thác đá Thượng Bằng La nằm ở liền kề, chỉ cách nhau khoảng vài chục mét.
HTX khai thác đá vôi Thượng Bằng La vẫn đang còn thời hạn khai thác đá theo giấy phép, họ vẫn sử dụng mìn để khai thác.
“Vì hai đơn vị này liền nhau nên chúng tôi không khẳng định được mìn nổ là ở đơn vị nào, HTX Vạn Thịnh 2 có sử dụng nổ mìn hay không. Nếu đơn vị này sử dụng mìn nổ để khai thác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật” - Chủ tịch xã Thượng Bằng La nói.
Ông Đỗ Đức Hợp, chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, huyện đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra sự việc này.
“Nếu đơn vị đó nổ mình khai thác đá trái phép, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh” - ông Hợp nói.
Theo giấy phép sử dụng vật liệu nổ được UBND tỉnh Yên Bái cấp cho HTX Văn Thịnh, đơn vị chỉ được phép sử dụng vật liệu nổ trong quá trình khai thác đá. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu nổ trong các trường hợp khác, kể cả thăm dò là vi phạm pháp luật.
Thượng Bằng La là xã thuần nông, trong đó, cây cam là một trong những cây thế mạnh của vùng. Việc khai thác đá trái phép gây ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động trồng trọt, sản xuất của người dân.
Thái Bình