- Có vụ có cả hàm trưởng phòng, phó phòng, có vụ 19 hàm vụ phó. Lẽ ra 2 năm phải tinh giản 140.000 người, nhưng tăng 96.000 người mà không ai bị kỷ luật.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết TƯ 6 khoá 12 sáng nay, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính dành cả buổi sáng để phân tích Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

{keywords}
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Theo ông, 30 năm đổi mới, chúng ta đổi mới kinh tế đi đôi với hệ thống chính trị. Việc đổi mới hài hoà các yếu tố góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi mặt. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.

Cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7%; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với 2011. Số liệu này chưa kể Quân đội và Công an.

Tỷ lệ cán bộ công chức phục vụ hiện nay rất lớn, như ở TƯ tại các cơ quan đảng chiếm 27%; các tổ chức chính trị - xã hội 30%.

"Có những cơ quan lái xe chiếm đến 17%, ngay ở Ban Tổ chức TƯ là 13%. Có nhiều cơ quan đề nghị lái xe là công chức nhưng thế thì bao giờ thay đổi, tinh giản  được", ông lưu ý.

Anh nào cũng muốn quản lý 

Trưởng Ban Tổ chức TƯ cũng chỉ rõ một số cơ quan tham mưu của Đảng với chuyên môn nhà nước như Ban Tổ chức, UB Kiểm tra, Ban Tuyên giáo… còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ quan Nội vụ, Thanh tra, TT&TT của nhà nước. Một số bộ như GTVT với Xây dựng; KH- ĐT với một số bộ khác cũng trong tình trạng tương tự.

Việc quản lý nợ công liên quan nước ngoài có 3 bộ ngành: KH-ĐT, Tài chính, NHNN nhưng hiệu lực, hiệu quả, phối hợp không chặt chẽ, có những vấn đề không kiểm soát được nhưng nhập lại cũng rất vất vả.

{keywords}
Ảnh: Nhật Bắc

“Anh nào cũng muốn quản lý. Mong muốn quản lý của các đồng chí tôi thấy cũng tốt nhưng làm thế nào cho phù hợp, đấy lại là vấn đề”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ chia sẻ.

Số bộ ngành thuộc Chính phủ còn đến 30 đầu mối, trong khi Nhật Bản con số này là 11, Singapore 15, Trung Quốc 20… So với các nước châu Âu, Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Về đơn vị hành chính cấp địa phương, ông cho biết, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63. Sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện, 1.136 xã.

10 năm qua, chỉ giảm duy nhất được một tỉnh là sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, chỉ có xu hướng là phải tách ra chứ không có nhập vào.

Nói về kinh nghiệm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, ông Chính nhấn mạnh sự khó khăn: “Sáp nhập phòng đã khó rồi, vì hai ông trưởng phòng nay chỉ chọn một. Sáp nhập cấp tỉnh thì còn khó khăn gấp bội, vì cùng là ủy viên TƯ, rất khó”.

Tuy nhiên, ông cho rằng sau gần 10 năm nhìn lại, quyết sách sáp nhập Hà Tây và Hà Nội là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”.

“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường thì sao không làm được?", ông đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Sáp nhập là giảm ngay đội ngũ. Hà Tây sáp nhập Hà Nội là bài học sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được”.

Nghị quyết đòi giảm 140.000 người, thực tế tăng 96.000 

Số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước hiện có khoảng 4 triệu người, chưa tính Quân đội và Công an.

“Số người ăn lương và phụ cấp của ta tăng rất nhanh. Nền kinh tế phải gánh vác rất khó khăn. Khó khăn này tập trung vào các đơn vị sự nghiệp trên 2 triệu người và cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ chỉ rõ.

Ông cũng nêu khó khăn đối với các trường hợp thuộc diện “hợp đồng khác” có đến 239.000 người, chiếm 6% tổng số người ngân sách đang nuôi phải xử lý thế nào.

“Theo Nghị quyết 39 mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”, ông nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng tỉ lệ công chức, viên chức hưởng lương trên 1.000 dân, Việt Nam có 43 người chưa kể Quân đội và Công an. Một số nước trong khu vực tính cả Quân đội, Công an như Philippines chỉ có 13 người, Ấn Độ 16, Indonesia 17, Singapore 25…

Ông đặt câu hỏi: “Trong những năm qua có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, có ai được khen vì giảm biên chế thành công hay không?”.

“Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, chê, kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế, vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên”.

Hơn 81 nghìn lãnh đạo cấp phó, từ phó phòng đến thứ trưởng

Về số lượng lãnh đạo, cấp phó, Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho hay, còn chiếm tỉ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan TƯ còn nhiều.

“Cả nước hiện có hơn 81 nghìn lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ TƯ đến cấp huyện. Cứ 5 cán bộ, công chức có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, chả có ai là chuyên viên cả”, ông dẫn chứng.

Ông nhấn mạnh “chúng ta đang lạm phát cấp phó”. Nhiều cấp phó như vậy nhưng có nơi không đủ cấp phó đi họp.

“Xây dựng cơ chế như thế nào cho đơn giản, mỗi bộ 5, 6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề”.

Cơ chế chịu trách nhiệm ít, phân cấp không nhiều, cái gì cũng ôm nên xử lý không hết. “Một vụ 20 - 30 người nhưng xử lý việc của cả nước nên ách tắc, xếp hàng, nảy sinh tiêu cực là đương nhiên”, ông Phạm Minh Chính nói.

Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.

“Tôi có tổng kết thì báo cáo của các bộ ngành với danh bạ không khớp nhau. Như vậy trong quá trình in sai hoặc là báo cáo không đúng. Báo cáo về cấp hàm, cấp phó có nơi không có nhưng mở danh bạ ra thì 19 hàm vụ phó. Cấp hàm này nhiều quá thì ngượng”, ông nói.

‘6-8 bộ, hàng chục tỉnh có thể sáp nhập với nhau’

‘6-8 bộ, hàng chục tỉnh có thể sáp nhập với nhau’

ĐB Phạm Văn Hoà, Đồng Tháp cho rằng, hiện nay có khoảng 6-8 bộ và nhiều tỉnh có thể sáp nhập với nhau.

Cải cách bộ máy: Mấy chục năm vẫn loay hoay

Cải cách bộ máy: Mấy chục năm vẫn loay hoay

Mấy chục năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với sắp xếp tổ chức bộ máy, nhập bộ này, tách bộ kia, bao nhiêu bộ là vừa.

Sáp nhập ở Bộ GTVT: Thừa hàng loạt sếp tổng, sếp phó

Sáp nhập ở Bộ GTVT: Thừa hàng loạt sếp tổng, sếp phó

Việc Bộ GTVT sáp nhập các ban quản lý dự án khiến nhân sự chủ chốt có nhiều thay đổi, tổng giám đốc thành phó giám đốc, cấp phó tăng gấp đôi.

Nhập bộ, tỉnh: Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng

Nhập bộ, tỉnh: Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng

ĐB Lê Thanh Vân ủng hộ chủ trương hợp nhất một số bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng như việc sáp nhập một số tỉnh.

Nhập 6-8 bộ, giảm hàng chục tỉnh: Có cơ sở

Nhập 6-8 bộ, giảm hàng chục tỉnh: Có cơ sở

Việc hợp nhất bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng và sáp nhập một số tỉnh có đủ điều kiện để giảm 3-4 bộ và hàng chục tỉnh là có cơ sở.

Nhập Bộ KH-ĐT, Tài chính: Đề xuất không hoàn toàn chính xác

Nhập Bộ KH-ĐT, Tài chính: Đề xuất không hoàn toàn chính xác

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ý kiến nên nhập Bộ KH-ĐT và Tài chính không hoàn toàn chính xác. 

Thu Hằng