Tại cuộc họp báo chiều 8/6, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đã thông tin cụ thể việc thực hiện kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Theo đó, từ ngày 1/4, TP.HCM yêu cầu chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc thủ công để chuyển về giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn.
Đến nay, có 8 cơ sở, khu vực giết mổ gia súc thủ công trên đã ngưng hoạt động, gồm: Cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân); Cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè); Cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn).
Riêng cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) vẫn được tiếp tục hoạt động, bởi cơ sở này có số lượng heo giết mổ, bình quân 20-30 con/ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực.
TP.HCM có 5 nhà máy giết mổ gia súc đang hoạt động theo dây chuyền giết mổ công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ và quận Bình Thạnh, với tổng công suất giết mổ bình quân từ khoảng 5.200-6.000 con/ngày (tính từ 1/4-8/6).
Sau thời điểm 1/4, nguồn heo giết mổ trên địa bàn thành phố giảm khoảng 700-1.200 con/ngày (giảm khoảng 10-15%), do một số chủ gia súc dịch chuyển về Long An, Bình Dương để giết mổ hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh thịt, không mua heo sống về giết mổ. Đồng thời, lượng thịt heo từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ tăng khoảng 500-1.300 con/ngày (tăng khoảng 15-20%).
Ông Hiệp cho biết thêm, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đánh giá TP.HCM là một trong những địa phương đang tổ chức tốt hoạt động giết mổ động vật tập trung và quy mô công nghiệp, dễ dàng kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi cần. Ngoài TP.HCM còn có Hà Tĩnh, Long An, Thừa Thiên Huế...
"10 năm nỗ lực chuyển đổi, bây giờ, thành phố mới bước đầu thành công. TP.HCM là địa phương duy nhất thực hiện toàn bộ giết mổ theo quy mô công nghiệp", vị giám đốc sở nói.