Chàng trai 10 năm "xây" biệt thự, lâu đài từ tăm tre



Dân trí đưa tin, anh Phạm Quang Kiên (Hai Bà Trưng, HN) đã dành hơn 10 năm tìm hiểu và thực hành làm các mẫu mô hình nhà biệt thự, lâu đài bằng một loại nguyên liệu đặc biệt: tăm tre.

Duyên nghiệp với nghề đến với anh Kiên từ hơn 10 năm về trước. Khi đó, anh Kiên vẫn còn là một cậu bé, tình cờ xem được một video về người làm mô hình nhà bằng tăm trong chương trình Chuyện lạ Việt Nam. Ngôi nhà bằng tăm và cách làm đặc biệt đó đã in sâu dấu ấn trong tâm trí của Kiên.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Kiên quyết định theo nghề làm mô hình dù chưa qua một trường lớp, một khóa đào tạo về nghệ thuật hay kiến trúc nào.

Xây nhà bằng đất sét có '1-0-2' giữa núi rừng


Cuộc sống trong ngôi nhà bằng đất sét của giám đốc trẻ bỏ phố về rừng (Theo Dân Việt).

Cách đây 2 năm, Lê Kiệt quyết định rời xa TP.HCM  để cùng vợ lên định cư tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Kiệt chọn làm nông dân, gắn bó với nông nghiệp thuận tự nhiên.

Tự nhận mình là “gã nông dân kỳ quặc”, chàng trai 8X này còn tự tay tôn tạo nên một ngôi nhà bằng đất sét có 1-0-2 giữa bao la rừng núi.

Sau mấy tháng vất vả, ngôi nhà đất sét độc đáo của vợ chồng Kiệt đã hoàn thành. Bất ngờ là chi phí để tạo ra căn nhà chỉ 30 triệu đồng. Kiệt lí giải, chi phí rẻ vì anh đi xin mọi thứ mà người ta vứt rồi về sửa lại kèm theo chỉ mua lại đồ cũ.

Nhà “dị” 60 m2 có “biển xanh” lẫn “rừng nhiệt đới" ở Vũng Tàu

Dù ngôi nhà có diện tích chỉ 60 m2, nhưng cặp vợ chồng trẻ ở Vũng Tàu đã có thể đưa không gian rừng cây và biển xanh vào không gian sống.

{keywords}
Chiếc giường ngủ với 4 khúc cây được tạo dáng lạ mắt.

Đó là ngôi nhà của gia đình chị Trần Phương. Theo Dân trí, hầu hết nội thất trong nhà chị Phương là đồ handmade được tận dụng từ các vật liệu tái chế như vỏ sò, vỏ ốc, các chai nhựa hoặc các gốc cây khô, vứt bên vệ đường.

Căn phòng đầu tiên lấy cảm hứng từ mạch điện tử. Phòng thứ 2 lấy cảm hứng từ mái nhà tranh miền Tây. Với chủ đề là “jungle - rừng rậm”, phòng thứ 3 sử dụng các họa tiết trang trí bằng gỗ, trong đó, chiếc giường ngủ với 4 khúc cây tạo dáng lạ mắt. Ngoài 3 không gian lạ mắt trên, chị Phương rất tâm đắc với căn phòng thứ 4, lấy cảm hứng từ vùng biển Vũng Tàu.

Bắt được cặp lươn màu sắc lạ ở Nha Trang

Dân Việt thông tin, trong một lần tình cờ đi chơi, anh Mai Dương (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), đã bắt được cặp lươn, một con có màu hồng trắng, một con có màu vàng rất kỳ lạ.

{keywords}
Cặp lươn có màu sắc kỳ lạ.

“Tôi đã gặp nhiều con lươn nhưng đây là cặp lươn mà ít khi gặp được”, anh Dương cho biết trên báo này.

Anh Dương cho biết cả 2 con lươn này người ít khi người địa phương gặp được. Đặc biệt, con lươn hồng trắng phía đuôi có màu hồng, phía trước môi son rất bắt mắt. Sau khi đem lươn này về, có người trả giá con lươn vàng 3 triệu đồng, một số người giới thiệu bán 10 triệu đồng nhưng anh không bán.

Chuyện hiếm: Cá hố khủng dài 4,5 m tấp vào biển Quảng Ngãi

Chiều 18/4, ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn xác nhận trên Dân Việt: Vào sáng cùng ngày, một con cá hố dài gần 4,5m, rộng 30cm đã chết, trôi tấp vào bãi biển thôn Phước Thiện.

{keywords}
Cá hố khủng.

Theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển nơi đây, do có kích cỡ to như vậy nên người dân không gọi là con, mà là "ông" hố và tiến hành chôn cất theo nghi lễ vào chiều cùng ngày.

Vỗ tay "chỉ huy" 2 triệu con chạch đồng

Không giống những tỷ phú chăn nuôi ở đất Nam Định, anh Tô Văn Mạnh (SN 1990, xã Yên Phương, huyện Ý Yên) lại chọn cho mình hướng đi riêng là nuôi chạch đồng. 3 năm qua, anh đã kỳ công tìm hiểu và nuôi thành công loài cá trơn nhớt, rúc bùn tài tình này.

{keywords}
Chạch trong trang trại của anh Mạnh.

Đặc biệt, khi anh Mạnh khum khum 2 bàn tay vỗ vài cái, mặt nước hồ bỗng dậy sóng, cả vạn con chạch nối đuôi nhau lao về phía có tiếng động. Chúng nhao nhao như bầy ong vỡ tổ nom rất vui mắt. 

“Nuôi đám này khi đã biết rồi thì rất nhàn. Tôi đã sáng tạo ra chiếc máng ăn tự động, chúng đói lúc nào thì vào máng ăn...”, anh Mạnh chia sẻ trên Dân Việt.

Cây hoa 'báu vật' của làng Đình Thôn, 'độc nhất vô nhị' ở Hà Nội

Cây hoa bún có tuổi đời đến 300 năm có lẻ đã gắn bó bao đời với người dân trong làng Đình Thôn (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đây là cây hoa bún được cho là “độc nhất vô nhị” tại Hà Nội. Kinh tế & Đô thị phản ánh, sắc vàng rực rỡ của hoa bún đã tạo nét đặc trưng cho làng Đình Thôn mỗi dịp cuối xuân, đầu hạ.

{keywords}
Cây hoa bún ở Đình Thôn.

Người dân ở Đình Thôn coi cây hoa bún như cây đa và là ''báu vật'' của làng nên ai cũng nâng niu, không dám ngắt hoa bẻ cành. Cây bún đã trở thành điểm nhấn tạo sức hút cho mọi người khi đến đây.

Lạ mà hay: Dụ ong ruồi vào thùng xốp, thu mật xịn

Nuôi ong ruồi trong thùng xốp như anh Võ Văn Thuận (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được đánh giá là cách làm lạ mà hay, độc đáo và sáng tạo.

{keywords}
Anh Thuận nuôi ong ruồi trong thùng xốp.

Báo Hậu Giang thông tin, sau thời gian thí điểm mô hình dụ loài ong ruồi vào ở, làm tổ trong thùng xốp để lấy mật, anh Thuận đang thu những kết quả ngoài mong đợi.

12 thùng xốp nuôi ong ruồi của anh Thuận đã cho thu hoạch gần 15 lít mật. Mỗi lít mật ong ruồi được bán với giá 500.000 đồng. Hiện anh Thuận đang đóng khoảng 20 thùng bằng cây để tiếp tục phát triển mô hình nuôi loài ong ruồi lấy mật.

Lạ đời: Nhặt thứ vứt đi chất đầy nhà thành bộ sưu tập quý

Báo Thanh Hóa cho hay, bao năm nay, ông Nguyễn Hữu Ngôn (SN1961, ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) rong ruổi về từng làng quê, ngõ xóm để tìm kiếm, nhặt nhạnh những “thứ vứt đi”.

{keywords}
 Ông Ngôn sở hữu hàng nghìn hiện vật quý.

Những “thứ vứt đi” cứ lần lượt theo ông về nhà, lúc là cái liềm, cái hái, cái niêu đất… của mấy bác nông dân; lúc là cái bát, cái đĩa, cái vại, cái cối... khi là cái mõ, cái dón... của người Mường; cái cung, cái ná, cái gùi của người Thái.

Sau hơn 30 năm lặn lội tìm kiếm, sưu tầm những món đồ mà người ta “vứt” đi, ông Ngôn đã có nhiều bộ sưu tập với hàng nghìn hiện vật khiến người xem thích thú.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)