Trong khi động đất và bão lốc tàn phá Bờ Đông nước Mỹ thì Bờ Tây cũng phải gánh chịu một sự "chấn động" không kém.

TIN LIÊN QUAN


Chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 8, ba sự kiện gây bão táp đã nối đuôi nhau xảy ra: Google tự hướng mình thành một hãng sản xuất phần cứng, HP tuyên bố tách khỏi mảng Máy tính cá nhân còn Apple thì mất vị Tổng giám đốc huyền thoại Steve Jobs.

Không hẹn mà nên, cả ba gã khổng lồ của thung lũng Silicon đều đang phải đối mặt với một sự chuyển mình - có thể làm thay đổi vĩnh viễn bộ mặt công nghệ toàn cầu.

"Tất cả chúng tôi đều bị sốc. Những gì đang diễn ra, cá tiền cũng không ai dám nghĩ tới cách đây dù chỉ một tháng", bà Laura DiDio, Giám đốc Nghiên cứu của ITIC bình luận. Nổ phát súng mở màn chính là gã khổng lồ tìm kiếm Google khi vào ngày 15/8, hãng này thông báo sẽ mua lại bộ phận di động - Motorola Mobility của Motorola. Từ lâu, Google đã tích cực quảng cáo ích lợi của nền tảng nguồn mở Android do hãng phát triển, và trên thực tế, các đối tác phần cứng đã hết sức ưu ái Android khi nhà nhà tung ra smartphone và tablet vận hành trên nền tảng này.

Thế nhưng giờ đây, Google lại đe dọa chính những đối tác thân thiết ấy khi thâu tóm một nhà sản xuất phần cứng. Nếu như vụ thâu tóm được phê chuẩn, Google sẽ bắt đầu tự sản xuất thiết bị của riêng mình, giống như Apple và RIM. Thử hỏi khi ấy tương lai của những Samsung, LG, Sony Ericsson, Acer, Toshiba, HTC... sẽ ra sao?

Quả bom thứ hai với sức công phá còn mạnh hơn đến từ HP, hãng công nghệ lớn thứ hai tại Mỹ và cũng là nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới hiện nay. Vào ngày 18/8, hãng này đã khiến nhiều người ngã ngửa khi thông báo sẽ khai tử hệ điều hành WebOS và tách mảng PC thành một công ty độc lập để tập trung nguồn lực cho phần mềm và dịch vụ. Điều trớ trêu là cách đây 1 thập kỷ, chính HP đã thâu tóm Compaq để trở thành hãng PC số 1 thế giới. Dựa vào nền tảng và vị thế đó, HP đã gặt hái được rất nhiều thành công: Doanh thu thường niên của HP cao gần gấp đôi so với đối thủ gần nhất là Dell.

Thế nhưng trước sự bùng nổ của smartphone và máy tính bảng, doanh thu của PC đang có dấu hiệu khủng hoảng. Bản thân HP qua nhiều lần xáo trộn lãnh đạo cấp cao dường như cũng lâm vào một cuộc khủng hoảng nội tại. Chính vì thế, hãng mới nảy sinh tâm lý bỏ của chạy lấy người khỏi thị trường phần cứng thế mạnh để chuyển sang phần mềm và dịch vụ như IBM.

Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 24/8, quả bom thứ ba được ném vào giữa làng công nghệ, khi Quả táo thông báo thầy phù thủy Steve Jobs đã từ chức Tổng Giám đốc điều hành. Dù Jobs đã tạm nghỉ từ tháng 1 để đi điều trị y tế, nhưng thông tin nói trên vẫn gây chấn động toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ. Từ các nhà lãnh đạo cho đến fan hâm mộ, tất thảy đều bàng hoàng và "nức nở".

Dù cho Apple sẽ khó lòng sụp đổ trong ngày một ngày hai khi thiếu Jobs, nhưng rõ ràng, phù thủy là một thiên tài độc nhất vô nhị, một người không thể thay thế. Ông đã giới thiệu với thế giới hết bom tấn này đến bom tấn khác, và bằng cách nào đó, biết được sở thích của người dùng trước cả khi chính họ biết mình muốn gì.

Những sự xáo trộn kiểu này không hiếm và chúng có thể tạo ra những gã khổng lồ, nhưng cũng có thể biến nhiều gã khổng lồ trở thành số 0. Trước khi PC bùng nổ, chưa một ai nghe đến tên tuổi Microsoft hay RCA. "Vài thập kỷ trước, PC giá rẻ và vi xử lý tốc độ cao đã giúp nhiều công ty một bước thành sao. Giờ đây, chúng ta đang trải qua tình cảnh tương tự. Với di động và không dây, chúng ta sẽ chứng kiến những sự chuyển mình. Các hãng sẽ định vị lại chính mình và tập hợp/chia tách những tài sản cần thiết", chuyên gia Zeus Kerraval của Yankee Group bình luận.

Tác động của những sự kiện nói trên là khá rõ ràng.

Nhiều nguồn tin cho biết Samsung đang để mắt tới webOS và có thể sẽ mua lại nền tảng này. Vì sao ư? Vì Samsung là một đối tác của Google và lệ thuộc chặt chẽ vào hệ điều hành Android. Do đó, vụ Google mua lại Motorola hiển nhiên sẽ đe dọa đến triển vọng kinh doanh của Samsung.

Thứ hai, cả IBM lẫn Oracle đột nhiên sẽ phải chú ý nhiều hơn đến HP, khi hãng này chuyển từ một đối tác phần cứng thân thiết sang một đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ.

Cùng lúc, mọi con mắt đều đang đổ dồn vào tân phù thủy Tim Cook của Apple để tìm xem cách lãnh đạo của ông khác sao với người tiền nhiệm. Tầm ảnh hưởng của Apple đã vượt xa khỏi địa hạt công nghệ, bởi Apple còn là một gương mặt chủ chốt trên địa hạt nhạc số, xuất bản và không dây. Hơn nữa, hãng còn là nhà sáng tạo số 1 trên thị trường thiết bị cá nhân.

"Steve Jobs không chỉ chèo lái Apple mà ông còn định hướng cả thị trường PC, máy tính bảng và Smartphone suốt những năm qua. Giờ đây, ai sẽ là người dẫn đường đây?", ông Rob Enderle, Chủ tịch Enderle Group quan ngại.

Trọng Cầm (Theo Fortune)