-“Vertigo”, “Citizen Kane”, “Tokyo Story”…dẫn đầu danh sách bình chọn những
bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại do Viện phim ảnh Anh Quốc vừa công bố.
Mai Phương Thúy khoác tay "trai lạ"
Choáng với Top 20 người đẹp diện bikini
Hà Trần: Tôi nhiều lần phát ngôn dại miệng...
Điều thú vị là 846 phiếu gửi trả về đã đề cập đến tổng cộng 2.045 phim! Kết quả gây bất ngờ nhất là bộ phim hồi hộp của đạo diễn Alfred Hitchcock “Vertigo” đã soán ngôi của “Citizen Kane”, bộ phim giữ vị trí đầu bảng trong suốt 50 năm qua. Các phim có mặt trong danh sách đều rất cũ, phim mới nhất là “Tâm trạng khi yêu” (xếp vị trí thứ 24) của đạo diễn Vương Gia Vệ cũng đã ra đời cách nay…12 năm. Dưới đây là 10 bộ phim dẫn đầu danh sách này.
1.Vertigo (đạo diễn Alfred Hitchcock, 1958)
Phim Vertigo
Tác phẩm đỉnh cao và bí ẩn bậc nhất của đạo diễn Hitchcock, trong tư cách một bộ phim cũng như tư cách một biểu tượng nghệ thuật. Chứng hoang tưởng và nỗi ám ảnh chưa bao giờ được mô tả tốt hơn thế. Đó là nhận xét của nhà biên kịch Marco Müller. Bộ phim xoay quanh câu chuyện một thám tử muốn về hưu sớm bởi chứng sợ độ cao. Ông bất ngờ nhận được lời đề nghị của một người bạn cũ cần theo dõi bà vợ đang rơi vào cơn hoang tưởng và có nguy cơ tự vẫn. Diễn biến câu chuyện vừa thôi thúc sự tò mò của khán giả vừa khiến họ phải sửng sốt vì sự thật cuối cùng.
2. Citizen Kane (Orson Welles, 1941)
Phim Citizen Kane
Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Orson Welles gần như có mặt trong tất cả các bảng xếp hạng những bộ phim vĩ đại nhất lịch sử. Bộ phim khắc họa tiểu sử giả tưởng của một ông trùm truyền thông, từ khi sinh ra trong một gia đình nghèo cho tới khi giàu có và chết trong cô độc. Nội dung khiến người ta xem đi xem lại nhiều lần mà vẫn có thể khám phá những tầng ý nghĩa mới. Tuy nhiên, “Citizen Kane” lại có một số phận không may mắn ngay từ khi ra mắt. Nó được xem là một thất bại về thương mại lẫn không được đánh giá cao về nghệ thuật cho tới khi ánh sáng thời gian khiến người ta ngày càng phát hiện ra vẻ đẹp của nó.
3. Tokyo Story (Ozu Yasujiro, 1953)
Phim Tokyo Story
Đạo diễn Ozu từng ví mình như một “nhà làm phim đậu phụ”, liên quan đến cách mà những bộ phim của ông – ít nhất là ở thời hậu chiến – là tất cả những biến thể trong cùng một số chủ đề nhỏ. Và đó là lý do vì sao “Tokyo Story” trở thành một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của bậc thầy có phong cách làm phim độc đáo. Bộ phim kể câu chuyện giản dị về cặp vợ chồng già quyết định làm chuyến thăm viếng những người con mà họ tự hào, nhưng thực tế và cách đối xử của những đứa con là điều nằm ngoài mong đợi của họ.
4. La Règle du je (Jean Renoir, 1939)
Phim La Règle du je
Bộ phim có cái tựa nghĩa là luật chơi, đề cập đến xã hội thượng lưu ở Pháp trước khi Thế chiến thứ hai ập đến. Đạo diễn Renoir được khen đã diễn đạt được ý niệm cao nhã nhất về chủ nghĩa tự nhiên. Ông khảo sát thế giới từ những viễn cảnh đầy tối tăm, tàn độc nhưng khách quan, trước khi đi tới điểm kết thúc yên ả. Người ta đã phải dành cho bộ phim lời khen cao nhất: một phim Pháp vĩ đại của một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của điện ảnh Pháp.
5. Sunrise: A Song of Two Humans (F.W. Murnau, 1927)
Phim Sunrise: A Song of Two Humans
Năm 1926, khi đạo diễn tài năng F.W. Murnau rời Đức đến Mỹ làm phim theo lời mời của William Fox, người ta đã tự hỏi tương lai phim ảnh sắp tới sẽ ra sao? Bộ phim chính là câu trả lời tuyệt vời bởi sự kết hợp giữa trường phái biểu hiện của điện ảnh Đức và lãng mạn cổ điển kiểu Hollywood. Nó xoay quanh câu chuyện cuồng dại về một người chồng ở nông thôn mê đắm một cô gái thành phố mới đến và bị cô thuyết phục bán trang trại và giết vợ mình để bỏ lên thành phố sống với cô. Thế nhưng, có những điều mà người ta cho rằng đã khiến câu chuyện này còn rộng hơn chủ đề dục vọng và cám dỗ, nó là sự khám phá lại tình yêu mà chúng ta đã dành cho nhau.
6. 2001: A Space Odyssey (Stanley Kubrick, 1968)
Phim 2001: A Space Odyssey
Bộ phim được khen là một tượng đài đứng vững lâu dài, một bước nhảy vĩ đại về mặt hình ảnh nhưng không xa hơn tưởng tượng của chính nó về vũ trụ và loài người. Nó là diễn đạt về một thời đại mà ngay cả hôm nay vẫn còn là một viễn cảnh lạc quan về đỉnh cao công nghệ. Đến mức những người theo thuyết âm mưu cho là chính Stanley Kubrick đã giúp chính phủ Mỹ dàn dựng cảnh đổ bộ xuống mặt trăng. Thậm chí, hãng Samsung còn lấy một cảnh trong phim ra làm bằng chứng là ý tưởng về ipad đã có từ rất lâu, nhằm giải quyết vụ kiện bản quyền của hãng Apple!
7. The Searchers (John Ford, 1956)
Phim The Searchers
Từng xuất hiện ở vị trí thứ 5 trong cuộc bình chọn năm 1992 của BFI nhưng rồi lại biến mất vào năm 2002. Bộ phim của đạo diễn John Ford khiến người ta tự hỏi phải chăng đề tài cao bồi viễn tây của Mỹ không phải lúc nào cũng được công chúng yêu thích? Trong lần trở lại mạnh mẽ này, bộ phim rõ ràng nhắc nhớ các nhà làm phim về vị trí không gì thay đổi của nó trong việc phủ nhiều ảnh hưởng lên dòng phim cao bồi sau này. “The Searchers” được xem là ẩn dụ về sự xung đột giữa nền văn minh công nghiệp và miền viễn tây hoang dã, bình yên mà cũng thật khắc nghiệt.
8. Man with a Movie Camera (Dziga Vertov, 1929)
Phim Man With a Movie Camera
Việc bộ phim câm đen trắng, không lời thoại, không chuyện kể và không diễn viên này có mặt trong danh sách đã cho thấy vị trí đặc biệt của nó trong dòng phim tài liệu. Trong nỗ lực chứng minh điện ảnh như một ngành nghệ thuật độc lập, không giống với văn chương hay sân khấu, ông đã biến bộ phim thành một bản giao hưởng về cuộc sống đô thị, giản dị mà tuyệt đẹp, của nước Nga.
9. The Passion of Joan of Arc (Carl Dreyer, 1927)
Phim Passion of Joan of Arc
Không nghi ngờ gì là bộ phim này đã và mãi mãi là người khổng lồ của điện ảnh thuở ban đầu, một tác phẩm huyền ảo gồm nước mắt, lửa và những cơn điên cuồng được biểu hiện trên những cận cảnh mặt người ở mức độ cực đại. Trong suốt nhiều năm, bộ phim về những ngày tù đày, chịu khổ hình cho đến chết trên giàn hỏa thiêu lúc 19 tuổi của nữ anh hùng người Pháp Joan of Arc, luôn là một phim rất khó xem. Nhưng ngay cả khi những thước phim bị hủy hoại, Joan vẫn in sâu vào trí nhớ của giới phê bình, đặc biệt là diễn xuất siêu việt của nữ diễn viên Renée Jeanne Falconetti.
10. 8½ (Federico Fellini, 1963)
Phim 8½
Bộ phim gây tranh cãi bởi cách thể hiện những giấc mơ, những cơn ác mộng, thực tại và ký ức cùng tồn tại trong một khung hình – một thời gian. Đạo diễn Fellini từng phát biểu ông muốn một bộ phim được tiếp nhận bằng trực giác và cảm tính, bởi không nhất thiết phải dùng đến lý trí mới có thể hiểu được một bộ phim.
Khải Trí