Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Số ca mới được chẩn đoán mỗi năm khoảng 8.000 ca. Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000(2) bệnh nhân nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân.
Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.
Bệnh thận mạn (chronic kidney disease - CKD) là một bệnh lý mãn tính gây gánh nặng nặng nề cho cả bệnh nhân và nền y tế, được xác định bằng sự suy giảm chức năng thận (thể hiện bằng mức lọc cầu thận ước tính-eGFR) hoặc các dấu hiệu tổn thương thận (thông qua chỉ số albumin trong nước tiểu), hoặc cả hai, trong ít nhất 3 tháng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận mạn là đái tháo đường, tăng huyết áp và viêm cầu thận. Đa số bệnh nhân CKD có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như suy tim, suy thận và tử vong.
Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí y tế ước tính chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỉ USD, và chiếm 2,4-7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Đáng lưu ý, chi phí cho quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận đặc biệt tăng cao.
Là một gánh nặng cho y tế toàn cầu, nhưng bệnh thận mạn chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ bệnh được phát hiện ở giai đoạn 3 mới chỉ có 5% số người trưởng thành mắc bệnh, phần lớn bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn 4 và 5 phải điều trị thay thế thận. Dự kiến, đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.
Tại buổi toạ đàm Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn, các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận nhiều cách tiếp cận khác nhau để áp dụng những tiến bộ y khoa gần đây trong quản lý bệnh thận mạn từ chẩn đoán sớm đến kiểm soát bệnh ở giai đoạn sớm.
Các thử nghiệm lâm sàng lớn được công bố trên thế giới về kiểm soát bệnh thận mạn cũng đã được các chuyên gia đưa ra phân tích và đánh giá chi tiết, trong đó có nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri - glucose 2.
Một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của một loại thuốc thuộc nhóm này trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đến từ các quốc gia khác nhau trong đó có bệnh nhân Việt Nam, đã được công bố và cho thấy hiệu quả giảm 39% nguy cơ tiến triển của bệnh và giảm 31% nguy cơ tử vong trên các đối tượng mắc bệnh này.
Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường việc chẩn đoán bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm bằng các xét nghiệm có độ phát hiện cao cũng đã được đưa ra phân tích tại buổi tọa đàm, trong đó cũng có kiến nghị xem xét triển khai những giải pháp này từ các tuyến y tế cơ sở để có thể phát hiện và can thiệp bệnh sớm hơn.
Nhìn nhận về hiệu quả của buổi tọa đàm, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch tổng hội Y học Việt Nam, cho biết: "Việc đánh giá các tiến bộ y khoa cũng như đưa ra các giải pháp áp dụng những tiến bộ này tại buổi tọa đàm đã góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị bệnh thận mạn và giảm gánh nặng chi phí cho gia đình bệnh nhân và xã hội".