Ngày 23/9, bác sĩ Dương Minh Tuấn - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về biến chứng đái tháo đường của người đàn ông 55 tuổi. Trước đó, người này hoàn toàn không biết mình bị bệnh.

Trong quá trình làm việc tại hồ nuôi thủy sản, bệnh nhân bị vảy cá làm tổn thương mắt cá chân trái. Do chủ quan chỉ là vết xước nhỏ, bệnh nhân không điều trị. Một tuần sau, tổn thương đã nhiễm trùng và lan rộng lên cẳng chân. Khi nhập viện và làm các xét nghiệm, bệnh nhân phát hiện bị đái tháo đường tuýp 2.

Hiện tại, tổn thương ở bàn chân đã đi vào xương. Bệnh nhân đang được sử dụng kháng sinh để điều trị, giảm nguy cơ phải cắt cụt chi. Cùng với đó, ông cũng được kiểm soát đường huyết để tổn thương không lan rộng. 

Hình ảnh tổn thương chân của bệnh nhân. Ảnh: BSCC. 

Những năm gần đây, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng tăng, được coi là “đại dịch không lây nhiễm”. Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) công bố năm 2021, có tới 53 triệu người mắc căn bệnh này trên toàn cầu, tương ứng với tỷ lệ trong 10 người từ 20-79 tuổi có 1 bệnh nhân; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc bệnh mà không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương gần 5 triệu bệnh nhân. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số ca mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Đái tháo đường ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, làm tổn thương các mạch máu dẫn tới xơ vữa động mạch, huyết áp cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ, mù mắt, suy thận,…