Thời gian ở vùng dịch, khu cách ly nhiều hơn ở nhà

Đang thực hiện việc cách ly sau chuyến công tác ở Hải Dương, bác sĩ Trần Anh Tú - (SN 1989), cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vẫn tranh thủ làm việc online.

“Chúng tôi làm việc trực tuyến để hỗ trợ tỉnh Hải Dương, các bạn khó khăn gì về chuyên môn kỹ thuật, chúng tôi sẽ hỗ trợ”, anh nói.

{keywords}
Bác sĩ Trần Anh Tú

Năm 2020 là năm đáng nhớ với bác sĩ Trần Anh Tú khi anh trực tiếp tham gia điều tra chống dịch Covid-19 tại các ổ dịch lớn của cả nước. Những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, anh và các đồng nghiệp đã có những buổi họp, làm việc liên tục, từ sáng sớm tới tối muộn. Ban ngày, họ triển khai công việc. Buổi tối, họ ngồi lại với nhau tổng kết, rút kinh nghiệm và bàn chiến lược cho ngày mai.

Khi là thành viên của Tổ công tác đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, nhiệm vụ của anh và đồng nghiệp là khoanh vùng cách ly y tế hơn 10.000 người dân trong 21 ngày.

“Đó không phải là việc đơn giản, bởi điều này chưa bao giờ xảy ra trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam nhiều năm qua", anh chia sẻ.

“Ổ dịch đầu tiên, do chưa biết nhiều về dịch bệnh này nên cách làm của chúng tôi cũng phải rất cẩn trọng, đưa ra những biện pháp theo từng giờ, phút. Tức là chỉ cần số liệu, dữ liệu biến đổi một chút, chúng tôi sẽ phải cập nhật ngay để thay đổi chiến lược”, anh nói.

Theo anh Tú, là những người ở tuyến đầu chống dịch nên khả năng anh bị lây nhiễm dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra. Mỗi cán bộ y học dự phòng, dịch tễ, xét nghiệm… đều tự ý thức về nguy cơ này.

Nhưng anh cho rằng: “Làm nghề gì cũng có nguy hiểm, khó khăn mà người ta gọi là “sinh nghề tử nghiệp”. Đặc biệt, ngành của chúng tôi có liên quan đến hóa chất, truyền nhiễm… Tuy nhiên, nhà nước luôn quan tâm đến y tế. Bản thân các bác sĩ chống dịch đều được trang bị thiết bị, đồ bảo hộ đầy đủ, chưa kể các bệnh viện dã chiến xây dựng nhanh và đạt tiêu chuẩn”.

Nam bác sĩ cho rằng, khi bạn đam mê, yêu thích thì nguy hiểm không phải vấn đề quá lớn. Nó giúp mình cẩn trọng, nghiêm túc với nghề nghiệp hơn để bảo vệ bản thân trong quá trình tác nghiệp.

“Nếu không may bị nhiễm bệnh, tôi không quá lo lắng vì chúng ta có hệ thống điều trị rất tốt, không vấn đề gì cả”, bác sĩ sinh năm 1989 khẳng định.

Món quà từ những người dân vùng dịch

Bác sĩ Trần Anh Tú vào vùng dịch Sơn Lôi trong 21 ngày, Mê Linh: 22 ngày, TP Đà Nẵng: 25 ngày và Hải Dương: 31 ngày. Mỗi vùng dịch đều cho anh những kỷ niệm khác nhau. Nhưng anh nhớ nhất là chuyến bay gấp gáp vào Đà Nẵng.

Lần đó, anh là thành viên của đội điều tra giám sát dịch thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng của Bộ Y tế.

{keywords}
Bác sĩ Tú (bên phải) và các đồng nghiệp.

“Vào một ngày tháng 7/2020, 12h trưa tôi “nhận lệnh” phải đặt vé xuất phát lúc 5h chiều, để sau đó, chúng tôi có mặt tại Đà Nẵng chống dịch vào 7h tối. Lúc này, vé từ Hà Nội vào Đà Nẵng rất khó đặt do lượng người vào du lịch ở đây đông. May mắn tôi quen một người ở phòng vé vì vậy đã đặt được tấm vé xuất phát lúc 5h chiều”.

Còn các lần “nhận lệnh” lên đường khác không quá gấp gáp vì là nam giới, anh chỉ cần vài bộ quần áo, bàn chải, khăn mặt - nên khá cơ động. Chỉ cần nhận lệnh là họ nhanh chóng lên đường.

Điều anh ấn tượng nhất khi đến các vùng dịch là tình cảm và sự ủng hộ của những người dân.

“Chúng ta muốn chống dịch phải có người dân hỗ trợ. Những lần tôi xuống các vùng dịch thăm hỏi về bất tiện, khó khăn khi giãn cách xã hội, người dân vui vẻ nói họ ủng hộ chính sách của Nhà nước.

Họ cũng động viên chúng tôi cố gắng hoàn thành việc chống dịch sớm để được về nhà. Chúng tôi cũng có nhận được món quà nhỏ từ người dân. Ví dụ đến vùng trồng hoa Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) - các bác sĩ được tặng rất nhiều hoa”, anh kể.

Sau này, khi anh quay lại đây làm công tác đánh giá chống dịch cũng được cũng tặng những cây hoa hồng. Điều này khiến bác sĩ 8X rất cảm động.

Anh Trần Anh Tú đã có gia đình nhỏ với cậu con trai 4 tuổi. Anh có thâm niên 7 năm trong nghề và thường xuyên phải đi xa nhà nên vợ con anh cũng đã dần quen với việc anh vắng mặt.

“May mắn là gia đình nhỏ của tôi được ông bà hỗ trợ và bà xã cũng hiểu, thông cảm cho công việc của chồng. Tuy nhiên đợt Tết vừa rồi, gia đình ít người lại lắm việc, không tránh khỏi những lúc vợ buồn.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất nhớ con, tôi thường xuyên gọi facetime về nhà để gặp cháu. Tôi phải nói: “Bố đi công tác mua đồ chơi cho con” để an ủi cháu”, anh nói.

Vừa qua, Tết Nguyên đán 2021, anh vẫn phải “chiến đấu” ở vùng dịch và không thể về thăm nhà.

Điều đầu tiên anh làm sau khi rời khu cách ly trở về tổ ấm là gặp mặt gia đình, bạn bè… - những người dịp Tết vừa qua anh chưa được gặp, cho thỏa nỗi nhớ nhà.

“Mình cũng như mọi người, đều có nhiều nhu cầu giao lưu, thăm hỏi nên mình hiểu những bức bách của người dân khi ở trong ổ dịch. Vì vậy, mình cố gắng để hỗ trợ địa phương thật tốt, ổ dịch sớm kết thúc mới giúp mọi người nhanh quay trở lại cuộc sống bình thường”, anh nói.


Bác sĩ Trần Anh Tú đã tham gia tích cực vào công tác điều tra, chống dịch Covid-19:

+ Tháng 1/2020, trực tiếp tham gia xây dựng các văn bản của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát, cách ly, truy vết ca bệnh Covid-19 và những người tiếp xúc gần.

+ Tháng 2/2020, trực tiếp tham gia điều tra chống dịch Covid-19 tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Thành viên của Tổ công tác đặc biệt chống dịch Covid-19 thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19.

+ Tháng 3/2020, trực tiếp tham gia truy vết các trường hợp hành khách tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 trên các chuyến bay quốc tế tại Việt Nam. Thành viên của Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19.

+ Tháng 4/2020, trực tiếp tham gia điều tra, hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

+ Tháng 7/2020, trực tiếp tham gia điều tra, hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng. Thành viên của đội điều tra giám sát dịch thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng của Bộ Y tế.

- Bác sĩ Trần Anh Tú nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phân tích xử lý thông tin dịch tễ góp phần khoanh vùng dập dịch Covid-19.

-  Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi năm 2020” do Trung ương đoàn thanh niên trao tặng.

- Bằng khen thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu.

- Bác sĩ Trần Anh Tú cũng là 1 trong 20 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Mời độc giả VÀO ĐÂY để bình chọn cho các đề cử.

Ngọc Trang

Xem thêm video: Người dân khiêu vũ trong những ngày cách ly ở khu cách ly thuộc Trung đoàn Pháo binh 58 (Quốc Oai, Hà Nội)

 

Cuộc di chuyển vào khu cách ly lúc nửa đêm của nữ nhân viên y tế

Cuộc di chuyển vào khu cách ly lúc nửa đêm của nữ nhân viên y tế

Gần 12h đêm ngày 30/1, chuông điện thoại của chị Hải, (SN 1990) vang lên. Nhìn con số hiện lên màn hình, chị bảo với chồng: “Có biến rồi”.