Vừa qua, BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã tổng kết 12 năm triển khai chương trình Tim mạch nhi.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 chia sẻ, 15 năm trước, trăn trở trước bệnh tim bẩm sinh ngày một tăng, đe dọa sinh mạng non nớt của các em. Từ năm 2004 bệnh viện bắt đầu triển khai chương trình tim mạch nhi với việc thực hiện phẫu thuật tim kín.
Đến năm 2007, bệnh viện bắt đầu triển khai phẫu thuật tim hở và năm 200 áp dụng kỹ thuật thông tim can thiệp, đến 2010 bệnh viện triển khai phẫu thuật tim sơ sinh.
Chương trình tim mạch BV Nhi đồng 1 đã cứu sống 10.000 em bé sau 12 năm triển khai. Ảnh: HL
Từ năm 2004-2018, đã có hơn 4.800 ca phẫu thuật tim. Riêng, giai đoạn 2009-2018, bệnh viện thông tim cho hơn 6.000 ca, điện sinh lý từ tháng 4/2019 đến nay là 13 ca. Chưa hết, bệnh viện còn làm nhiều ca khó như tứ chứng fallot, thông lỗ van 3 lá, hoán vị đại động mạch, tim 3 buồng nhĩ, tim 1 thất, kênh nhĩ thất… Việc áp dụng các kỹ thuật cao vào điều trị phẫu thuật đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhi.
Hiện, bệnh viện đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật tim mạch nhi như: siêu âm tiền sản, can thiệp điện sinh lý, ECMO cho trẻ sơ sinh, MRI tim mạch…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ thêm, sắp tới giai đoạn 2019-2021, BV Nhi đồng 1 định hướng sẽ thành lập khoa Phẫu thuật tim mạch, tiếp tục phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu (phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh non tháng, cực nhẹ cân, can thiệp điện sinh lý tim, can thiệp mạch máu não…). Xây dựng Trung tâm huấn luyện mô phỏng, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo sẽ hoàn thành Trung tâm tim mạch với đầy đủ các khoa chuyên sâu…
Sở Y tế TP.HCM đã trao tặng giấy khen cho các tập thể thực hiện xuất sắc chương trình tim mạch nhi. Ảnh:HL
Theo PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch, người được học chuyển giao các kỹ thuật phẫu thuật tim tại BV, trước năm 2004, bệnh viện chưa triển khai phẫu thuật tim, cứ 2.000 bệnh nhi mắc bệnh tim nhập viện thì đến 10% tử vong, một con số rất “khủng hoảng”. Hiện, con số này đã kéo giảm xuống còn dưới 1%. Thành quả như trên là nỗ lực rất lớn của cả tập thể bệnh viện và các chuyên gia nước ngoài đã không quản khó khăn chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ bác sĩ.
Đặc điểm bệnh nhi tim bẩm sinh đến viện thường là 70% bệnh nhân nặng và phức tạp. Có tới 70% bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi, 40% dưới 3 tháng tuổi. Trung bình mỗi ngày BV thực hiện 2-3 ca phẫu thuật tim, 5 ca thông tim, trong đó có 70% bệnh nhi nặng phải mổ cấp cứu.
Thành công đáng kể, là phẫu thuật tim cho bệnh nhi non tháng, nhẹ cân bệnh viện làm chủ. Bệnh viện từng mổ cho bé gái chỉ nặng 850gram, bé sinh non hẹp eo động mạch chủ nặng. Sau khi sinh 20 ngày bé được chỉ định mổ. Bác sĩ đã nối động mạch chủ thành công. Sau đó, bé tăng cân, uống sữa hoàn toàn và hồi phục diệu kì.
Phan Nhơn