Đó là Văn Ngọc Kim Ngân (2001) - sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Biochemistry (Hóa Sinh) tại State Penn University (bang Pennsylvania, Hoa Kỳ). Trước khi vào đại học, nữ sinh từng theo học lớp 10 tại Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP. HCM), du học Singapore năm lớp 11 rồi chuyển đến Mỹ vào năm lớp 12.

{keywords}
Văn Ngọc Kim Ngân - cựu học sinh chuyên Văn của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Mới đây, báo cáo khoa học của Ngân về “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tâm lý của phụ nữ trước và sau sinh” đã được đăng tải trên website của Đại học Harvard.

Nữ sinh cho biết, đây là nghiên cứu đầu tay em thực hiện khi là thành viên một nhóm nghiên cứu của sinh viên Đại học Harvard.

Do dịch bệnh Covid - 19, Ngân buộc phải rời Mỹ vào năm ngoái. Các bước nghiên cứu vì thế đều được tiến hành hoàn toàn trực tuyến. Khó khăn nhất với nữ sinh là liên tiếp bị từ chối khi kết nối để làm khảo sát và phỏng vấn.

“Em đã gửi email tới hàng trăm giáo sư ở Mỹ nhưng chỉ có duy nhất 1 giáo sư đồng ý trả lời và giúp đỡ em”, Ngân chia sẻ.

Song song với đó, việc tìm kiếm thông tin tốn của Ngân nhiều thời gian. Nữ sinh phải miệt mài tra cứu các dữ liệu liên quan đến đề tài và chuyển chúng thành các biểu đồ để làm dẫn chứng.

Tuy nhiên khi gửi đi, dữ liệu của Ngân không được chấp nhận ngay. Nữ sinh đã viết nháp, sửa đi sửa lại đến 5 lần mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

Nữ sinh cho hay, đây có thể chưa phải một nghiên cứu ‘hoành tráng’, nhưng kết quả này mang đến cho em động lực để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu lớn hơn.

Ngân đang bắt tay vào nghiên cứu thứ 2 của mình về chủ đề “So sánh hiệu quả các loại vắc xin” và tham gia 1 nhóm nghiên cứu về khí các bon và môi trường ở trường đại học. Nữ sinh cũng dự kiến apply vào các viện nghiên cứu trong mùa hè tới để gia tăng thêm kiến thức về lĩnh vực mình theo đuổi.

‘Mẹ là người duy nhất tin em có thể làm được’

Theo học chuyên ngành Hóa Sinh, nhưng trước đó Ngân từng được coi là dân ‘ngoại đạo’ vì xuất phát điểm là học sinh chuyên Văn tại Trường Phổ thông Năng khiếu. Điều may mắn, theo Ngân là dù học chuyên Văn nhưng để vượt qua kỳ thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu, những học sinh như em cũng phải rất chịu khó học tập các môn khoa học tự nhiên.

Nữ sinh chia sẻ, bước ngoặt đến với em đang là học sinh lớp 11 ở Singapore. Trong một lần chứng kiến người thân mất vì ung thư nhưng bản thân “bất lực và không làm gì được”, Ngân quyết định chuyển hướng du học Mỹ với mong muốn làm việc trong lĩnh vực y học.

Quyết định này của Ngân vào thời điểm nữ sinh vừa du học Singapore được một năm, vừa kịp thích nghi với cuộc sống và môi trường học tập ở quốc đảo Sư tử nên khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng mẹ của Ngân ngay lập tức đồng ý với quyết định của con gái.

Theo lời Ngân, mẹ đã quan tâm đến việc học hành từ khi con gái còn rất nhỏ. Từng nhiều lần thất bại trong các cuộc thi, nữ sinh đôi khi đã nản lòng, song lần nào mẹ Ngân cũng đặt trọn niềm tin vào con gái.

“Từ nhỏ, mẹ luôn là người tin tưởng vào những quyết định của em. Từ chuyện học tập đến những sở thích cá nhân trong cuộc sống, Mẹ luôn tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định của em. Khi em quyết định thi vào Nhạc viện TP.HCM, mọi người trong gia đình đều không ủng hộ và cho rằng em không đủ khả năng để làm điều ấy. Cũng chính là mẹ, người duy nhất tin tưởng và cho em can đảm để chinh phục mọi ước mơ của mình. Không phụ lòng tin tưởng của mẹ, em đã đỗ vào Nhạc viện TP.HCM với vị trí Á khoa bộ môn Piano” - Ngân nhớ lại.

{keywords}
Văn Ngọc Kim Ngân và mẹ

Khi sang Singapore và Mỹ, Ngân phải dành ra không ít thời gian và công sức để thích nghi với nền văn hoá và cách học tập của nước bạn. Nhưng thói quen hàng ngày tâm sự với mẹ và được mẹ chia sẻ, động viên đã giúp Ngân nhanh chóng vượt qua.

Ngoài việc năng giao tiếp với bạn bè, nữ sinh dần thay đổi cách học: xem bài vở và làm bài tập trước khi lên lớp, cuối giờ nán lại hỏi thêm giáo viên những điều chưa hiểu. Nhờ những cuộc trò chuyện như vậy, khả năng ngôn ngữ của Ngân ngày một tiến bộ hơn, việc học cũng đạt hiệu quả như mong muốn.

“Du học Singapore, Mỹ đã cho em nhiều bài học về giao tiếp, cách ứng xử và giúp bản thân trưởng thành trong suy nghĩ. Em thương và biết ơn mẹ nhiều hơn, bởi nếu không có mẹ ở bên thì chắc là em đã bỏ cuộc”, Ngân nói.

3 điều cần chú ý khi apply đại học Mỹ

Ngân cho biết, khi apply các trường đại học Mỹ, ngoài SAT, IELTS và GPA, thì các hoạt động ngoại khóa có liên quan trực tiếp đến chuyên ngành mình chọn rất quan trọng. Ban tuyển sinh không chỉ muốn ứng viên giỏi về mặt học thuật mà còn có mong muốn cống hiến cho xã hội. Các hoạt động nên được chọn lọc kỹ, tránh tham gia tràn lan, vừa tốn thời gian vừa không có ích.

Tiếp theo, ứng viên cần đầu tư kỹ lưỡng cho bài luận. Theo Ngân, nên viết thật chân thành về những thứ đã xảy ra xung quanh bản thân để có thể trở nên nổi bật thay vì viết về những kỉ niệm một cách hời hợt.

Ngoài ra, chi phí học tập là một yếu tố quan trọng, cần cân nhắc khả năng chi trả của gia đình. Và cuối cùng, du học sinh cần sự chia sẻ, hỗ trợ của người thân, bạn bè. 

Doãn Hùng

Thủ khoa người Việt trúng tuyển Tòa án Tối cao Singapore

Thủ khoa người Việt trúng tuyển Tòa án Tối cao Singapore

Trúng tuyển vào ngành Luật của SMU rồi trở thành Thư ký Luật của Toà án Tối cao Singapore, Nguyễn Sinh Vương đã làm được những điều mà rất ít người nước ngoài có thể làm ở Đảo quốc Sư tử.