15 năm đứt quãng bởi nhiều nhà hát chạy theo múa đương đại, nghệ sĩ Tuyết Minh hy vọng với việc dựng Truyện Kiều bằng ngôn ngữ ballet sẽ làm hồi sinh lại nghệ thuật múa kinh điển.
Vở nhạc kịch Sân khấu 24h vừa được công diễn tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương, thuộc khuôn khổ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024, do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức.
Thông qua ngôn ngữ nhạc kịch, tác phẩm kể câu chuyện về cuộc đời của những người nghệ sĩ lao động nghệ thuật.
Trong đó, nhân vật nữ đạo diễn (ca sĩ Hà Vy) giữ vai trò kết nối, cùng các ca sĩ, diễn viên múa, bộ phận âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật… tất cả như một mảnh ghép tạo nên bức tranh nghệ thuật đa sắc. Đằng sau hào quang, họ đối diện với nỗi lo toan, trăn trở, khiến mỗi cá nhân đôi lúc chông chênh, lạc lõng và cô đơn.
Bên cạnh những tình huống khó khăn, tác giả lồng ghép chi tiết tích cực, mở ra ánh sáng ở cuối con đường. Những người nghệ sĩ, dẫu lắm nỗi niềm, vẫn cố gắng giữ tình yêu nghề, tận hiến với nghệ thuật như những con thiêu thân lao vào lửa bằng tất cả niềm đam mê.
Sân khấu 24h gồm 3 hồi, 10 cảnh, được kể gần gũi, nhẹ nhàng, tính cao trào được xây dựng vừa đủ, không lạm dụng. Đại cảnh ở các phần làng chài Phước Hải, múa Nhện biển, hay cảnh kết được dàn dựng công phu, khiến người xem được dịp hòa vào không gian nghệ thuật.
Với thời lượng 80 phút, các nghệ sĩ nỗ lực hoàn thành vai trò của mình. Ca sĩ Hà Vy (vai nữ đạo diễn) phô diễn giọng hát nội lực, đầy đặn cảm xúc. Các ca sĩ, diễn viên múa còn lại cũng cho thấy sự kết hợp ăn ý, dẫn dắt khán giả đi qua các bối cảnh.
Tuy nhiên, tác phẩm vẫn gây tiếc nuối vì mắc các lỗi cố hữu. Có nghệ sĩ hát tốt nhưng đài từ diễn còn khuyết điểm, hoặc ngược lại. Thời lượng vở kéo dài xuyên suốt, không có khoảng nghỉ khiến diễn viên áp lực thời gian, dẫn đến gấp gáp về nhịp diễn, thiếu khoảng lặng cần thiết.
Địa điểm diễn chương trình có chất lượng âm thanh không tốt, dẫn đến tiếng nhạc lớn, vọng lại át đi lời thoại nghệ sĩ, khiến người xem mất tập trung.
Nghệ sĩ Tuyết Minh - giữ vai trò biên kịch và tổng đạo diễn - nói nhạc kịch vốn không mới tại TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, thể loại này là điều mới mẻ, có phần lạ lẫm với một đơn vị tỉnh như Nhà hát Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là vở nhạc kịch musical duy nhất góp mặt tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024.
Nhiều năm gắn với sân khấu múa, nhạc kịch, Tuyết Minh nói chị cũng như nhiều đồng nghiệp - luôn ôm những nỗi trăn trở về nghề. Các nghệ sĩ mong bộ môn này sẽ đến gần hơn với khán giả đại chúng bằng nhiều con đường.
“Sự chuyên nghiệp thường bị đóng kín, nhiều khi múa nhưng không ai hiểu, chúng tôi do đó sẽ kết nối sân khấu chuyên nghiệp với công chúng khán giả. Điều này không phải giảm tính chất nghệ thuật đi, mà sẽ cố gắng tạo sự hài hòa. Đó cũng chính là điểm mới mà tôi và Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu muốn đem đến cho khán giả”, Tuyết Minh chia sẻ.
Tuyết Minh nhận định để dựng một vở nhạc kịch tiêu chuẩn phải tốn nhiều tiền. Việc kinh phí eo hẹp cũng là thách thức không nhỏ với ê-kíp thực hiện Sân khấu 24h. Chị hài lòng với sự cố gắng của cả tập thể dù đôi lúc những sự cố trục trặc khiến mọi người không khỏi áp lực.
Sau liên hoan, Tuyết Minh và phía đơn vị nhà hát có kế hoạch mang vở diễn đến gần với công chúng. Ê-kíp dự tính đầu tư kỹ xảo, bổ sung các màn thoại kịch, bớt đi yếu tố ước lệ… để phù hợp với cảm nhận của khán giả.