Khi tất cả đã cạn kiệt, ngân sách về cơ bản chỉ là một kế hoạch cho tiền của bạn. Lập ngân sách nghĩa là bạn chi tiêu có mục đích trước khi bắt đầu một tháng mới.
Nhưng nhiều người coi ngân sách như một cái áo bó sẽ khiến họ không làm được những gì họ muốn.
Thực tế, ngân sách không giới hạn sự tự do của bạn, nó mang lại cho bạn sự tự do! Đó là việc bạn có chủ đích với việc tiền của bạn đi đâu.
Lập ngân sách chi tiêu có thể giúp bạn như thế nào?
Ngân sách sẽ cung cấp cho bạn một kế hoạch hành động và hình ảnh rõ ràng về nguồn tiền của bạn đang đi về đâu mỗi tháng. Lập ngân sách sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu mà bạn đang hướng tới - cho dù đó là thoát khỏi nợ nần, tiết kiệm để nghỉ hưu hay chỉ cố gắng giữ cho hóa đơn tiêu dùng của bạn không vượt quá tầm tay.
Khi bạn thấy việc lập kế hoạch ngân sách chỉ đơn giản là tiêu tiền có chủ đích, bạn thực sự có thể thấy tự do hơn để chi tiêu! Sau khi lập ngân sách cho một khoản nào đó, bạn có thể tiêu số tiền đó mà không cảm thấy tội lỗi. Nhiều người thậm chí còn thấy tiền "dư" sau khi họ tạo ra một ngân sách thực tế và thực hiện theo ngân sách. Đây hẳn là một điều tuyệt vời, đúng không?
1. Ngân sách về 0 trước khi bắt đầu tháng mới
Điều này có nghĩa là trước khi tháng mới bắt đầu, bạn sẽ lập kế hoạch và đặt tên cho từng đồng. Nó được gọi là ngân sách dựa trên số 0. Điều này không có nghĩa là bạn không có đồng nào trong tài khoản ngân hàng của mình. Nó chỉ có nghĩa là thu nhập của bạn trừ đi tất cả các chi phí của bạn bằng không.
2. Lập ngân sách cùng bạn đời
Nếu bạn đã kết hôn, hãy cùng lập ngân sách cho gia đình với bạn đời. Nhưng thay vì căng thẳng, hãy làm cho nó vui vẻ! Chọn một số món ăn nhẹ yêu thích của bạn và nghe một bản nhạc hay để giúp bạn tập trung.
Cả hai đều cần đồng hành về tiền bạc, vì vậy hãy đặt mục tiêu cùng nhau. Hãy nhớ rằng: nếu hai người là một, thì đó không còn là tiền của bạn hay tiền của người kia nữa - đó là tiền của cả hai.
3. Mỗi tháng đều khác nhau
Một số tháng, bạn sẽ phải lập ngân sách cho những thứ như tiền học của con hoặc bảo dưỡng xe định kỳ. Những tháng khác, bạn sẽ tiết kiệm cho kỳ nghỉ, sinh nhật và ngày lễ. Bất kể dịp nào, hãy chắc chắn rằng bạn chuẩn bị cho những khoản chi tiêu đó trong ngân sách. Đừng để những dịp đặc biệt này khiến bạn thấu chi.
Đảm bảo điều chỉnh ngân sách của bạn mỗi tháng khi mọi thứ thay đổi. Tạo một quỹ tiết kiệm mà bạn có thể tích trữ tiền mặt trong suốt cả năm. Khi bạn không có kế hoạch, bạn sẽ bị căng thẳng và điều đó làm mất đi tất cả niềm vui cho những kỳ nghỉ hay tiệc sinh nhật.
4. Bắt đầu với những danh mục quan trọng nhất trước
Tiết kiệm cần đứng đầu danh sách, sau đó là tới thực phẩm, chỗ ở và tiện ích, quần áo cơ bản và phương tiện đi lại. Khi những nhu cầu thực sự cần thiết của bạn đã được thiết lập, bạn có thể cân nhắc cho các danh mục còn lại trong ngân sách của mình.
5. Trả hết nợ của bạn
Nếu bạn mắc nợ, việc trả nợ cần phải được ưu tiên hàng đầu. Vẫn là cách thanh toán từ những món nợ nhỏ nhất đến những món nợ lớn hơn, hãy cứ làm lần lượt và duy trì chúng như một thói quen, bạn sẽ có thể xóa nợ một cách dễ dàng.
6. Đừng ngại cắt giảm ngân sách
Có thể đã đến lúc bạn phải cắt giảm ngân sách, đặc biệt nếu như hiện tại mọi thứ đang eo hẹp. Bạn có thể tiết kiệm tiền nhanh chóng bằng cách hủy cáp truyền hình trong vài tháng, nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài, hạn chế hoặc không mua sắm quần áo trong vài tháng. Hãy nhớ rằng, việc cắt giảm ngân sách của bạn chỉ là tạm thời. Bạn luôn có thể thực hiện các điều chỉnh sau đó khi tình hình đã ổn trở lại.
7. Lên lịch trình và bám sát nó
Trong khi bạn đang lập ngân sách thành một phần của thói quen hàng tháng của mình, tại sao không chọn những ngày cụ thể cho các chi phí khác? Cũng giống như hóa đơn điện nước hàng tháng, hãy đặt lịch ngày đi mua thực phẩm mỗi tuần để bạn tuân theo và có sự chuẩn bị trước cho những ngày cần phải tiêu tiền.
8. Theo dõi tiến trình của bạn
Điều quan trọng là phải kiểm tra tiến độ của bạn theo thời gian. Hãy theo dõi chi tiêu và mua sắm để giữ được mục tiêu của mình. Nhìn lại ngân sách trước đó của bạn để biết bạn đã đi được bao xa.
9. Tạo khoảng đệm trong ngân sách của bạn
Hãy gạt một khoản tiền nhỏ sang một bên để chi tiêu đột xuất trong cả tháng - ví dụ những lần xe hết hơi đột xuất, hay khi cần thay bóng điện... Bằng cách đó, khi có điều gì đó xuất hiện, bạn có thể trang trải nó mà không phải lấy đi số tiền ở các hạng mục khác.
10. Cắt thẻ tín dụng của bạn
Nếu bạn thực sự cam kết gắn bó với ngân sách và thoát khỏi nợ nần, bạn cần phải từ bỏ những thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng luôn tiện lợi - có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng - và tất nhiên ngay cả khi bạn hết tiền. Chính vì vậy, chúng sẽ gây ra hàng loạt các món nợ sau đó. Hãy ngừng sử dụng chúng bằng cách hủy thẻ! Hãy loại bỏ chúng khỏi cuộc sống của bạn.
Hãy kiên trì sử dụng thẻ ghi nợ của bạn và thậm chí cả tiền mặt. Bạn biết điều tuyệt vời của thẻ ghi nợ là gì không? Tiền đến thẳng từ tài khoản ngân hàng của bạn - nghĩa là bạn sẽ chỉ có thể tiêu số tiền mà bạn thực sự đang sở hữu.
11. Sử dụng tiền mặt cho một số loại ngân sách nhất định mà bạn thường thấu chi
Nếu bạn liên tục chi tiêu quá nhiều vào ngân sách tạp hóa hoặc khoản tiền vui vẻ (khoản tiền dùng để thỉnh thoảng đi xem phim, gặp mặt bạn bè mà bạn đã lên kế hoạch trước) của mình, hãy rút ra các danh mục đó chia chúng vào những phong bì nhỏ để nhắc nhở bạn tuân theo một cách quy củ hơn. Khi hết tiền, hãy ngừng chi tiêu và từ chối các cuộc gặp mặt.
12. Hãy thử một công cụ ngân sách trực tuyến
Nếu bút và giấy (hoặc bảng tính) không phải là thứ bạn yêu thích, thì hãy tìm kiếm các ứng dụng giúp bạn quản lý ngân sách và theo dõi chi tiêu của mình. Ngoài ra, bạn có thể đồng bộ hóa ngân sách của mình với vợ / chồng của mình, điều này rất tốt để giữ cho việc giao tiếp về tài chính với bạn đời luôn cởi mở.
13. Hãy bằng lòng và bỏ những so sánh
Bạn có nhiều hơn những gì bạn nhận ra. Đừng so sánh hoàn cảnh của bạn với bất kỳ ai khác. So sánh sẽ không chỉ cướp đi niềm vui mà cả tiền của bạn - khi bạn cố gắng mua sắm những món đồ để có thể giống như những người khác. Hãy tiếp tục tiến lên và làm những gì phù hợp với gia đình bạn.
14. Có mục tiêu
Cho dù bạn đang trả hết các khoản vay, xây dựng quỹ khẩn cấp hay trả hết thế chấp, bạn vẫn cần tập trung cho việc lập ngân sách vào lý do tại sao. Lý do bạn hy sinh là gì sẽ là động lực giúp bạn duy trì thói quen có ích này. Ví dụ như kỳ nghỉ nước ngoài, tiền cho con đi du học, sửa nhà hay mua xe...
Mẹo lập ngân sách cho thu nhập không ổn định
Đừng nghĩ rằng chỉ những người có thu nhập ổn định mới có thể lập ngân sách. Bạn vẫn có thể lập ngân sách dù thu nhập không nhất quán hoặc không thường xuyên. Một nguyên tắc chung là lập ngân sách dựa trên tháng thu nhập thấp thay vì những tháng thu nhập cao.
Tất cả những gì bạn cần làm là lập danh sách tất cả những thứ bạn sẽ bỏ vào ngân sách bình thường (tiết kiệm, thực phẩm, chỗ ở và tiện ích, quần áo cơ bản và phương tiện đi lại).
Sau đó, hãy tự hỏi bản thân, nếu bạn đã có một tháng tồi tệ và bạn chỉ có đủ tiền để làm một việc trong danh sách này - đó sẽ là gì?
Liệt kê ưu tiên theo thứ tự lần lượt và tiếp tục ngân sách của bạn theo cách đó, đánh dấu các mục theo mức độ quan trọng. Hãy chắc chắn để chăm sóc các nhu cầu cần thiết trước. Bằng cách đó, khi bạn được trả tiền, bạn sẽ biết chính xác tiền của mình đang đi đâu.
Theo Phụ nữ Việt Nam