- Vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân (nhà máy sắn Như Xuân) thuộc Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hóa được tỉnh ký quyết định quy hoạch từ năm 2000 và đi vào hoạt động đến nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây vùng nguyên liệu này bị Cty sắn Phúc Thịnh (đóng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc) đến thu mua, phá giá khiến cho doanh nghiệp, chủ hợp đồng bức xúc vì không thể thu hồi công nợ.

Ngang nhiên vào phá giá

Năm 2000, nhà máy sắn Như Xuân được tỉnh Thanh Hóa quy hoạch vùng nguyên liệu theo quyết định số 2663/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sắn phục vụ nhà máy chế biến tinh bột sắn cho Cty vật tư tổng hợp Thanh Hóa với diện tích 4.500 ha, được phân bố ở 22 xã thuộc 2 huyện Như Xuân (3.500 ha) và Như Thanh (1.000 ha).

Ngay sau khi được phê duyệt vùng nguyên liệu, nhà máy đầu tư hàng chục tỷ đồng để khai hoang, hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho nông dân trồng sắn. Đến năm 2003 nhà máy sắn Như Xuân đi vào hoạt động.

{keywords}
Quyết định phê duyệt vùng nguyên liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa.
{keywords}
 
Danh sách chủ hợp đồng cấp phân cho người dân nhưng người dân lại bán sản phẩn cho Cty khác
 

Thời gian đầu gây dựng vùng nguyên liệu, người dân chưa quen với việc thâm canh, kỹ thuật trồng hạn chế nên sắn chết rất nhiều, một số mọc lên thì bị trâu bò phá ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác thu hồi nợ của nhà máy. 

Nợ gối nợ, cho đến niên vụ 2011 – 2012 người dân đã nợ nhà máy lên đến hơn 10 tỷ đồng, nhà máy đã phải xóa nợ để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Hà Văn Thọ, Trưởng phòng Kinh doanh của nhà máy sắn Như Xuân cho biết, nhà máy quản lý vùng nguyên liệu và thu mua sắn của người dân thông qua các chủ hợp đồng. Năm nào nhà máy cũng đầu tư phân bón, giống... cho các chủ hợp đồng để họ cấp cho các hộ dân sản xuất.

Như niên vụ 2013 – 2014 nhà máy đầu tư hơn 4,8 tỷ đồng; năm 2014 – 2015 hơn 2,2 tỷ đồng tiền mua phân bón cấp cho các chủ hợp đồng, sau đó chủ hợp đồng ký kết cung ứng phân cho các hộ dân. Khi sắn cho thu hoạch, bà con đem sản phẩm bán cho nhà máy và trả nợ tiền đầu tư ban đầu.

Một chủ hợp đồng cho biết, như vụ sắn vừa rồi ông nhận 21 tấn phân bón của nhà máy sắn Như Xuân về cung ứng cho 50 hộ dân trồng hơn 40ha sắn. Tuy nhiên khi đến mùa thu hoạch thì một số các hộ dân lại bán sắn ra bên ngoài cho công ty khác để lấy tiền, khiến ông phải đi mua sắn của các hộ khác bù vào sản lượng đã ký kết ban đầu với nhà máy.

Ông Thọ cho biết thêm, để cho người dân yên tâm sản xuất, niên vụ 2014 – 2015 nhà máy đã cam kết giữ giá sắn không giảm xuống dưới 1.500đ/kg. Tuy nhiên Cty sắn Phúc Thịnh lại ngang nhiên vào vùng nguyên liệu của nhà máy ông thu mua với mức giá 1.200 – 1.400đ/kg (tại bãi tập kết) trả “tiền tươi” nên người dân đã bán sắn ra ngoài khiến cho vùng nguyên liệu của nhà máy ông bất ổn, gây ảnh hưởng tới sản xuất.

"Không chấp nhận kiểu làm ăn chộp giật!"

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Hạnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hóa cho biết, tháng 10/2000, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định số 2663/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sắn phục vụ nhà máy chế biến tinh bột sắn của Cty tổng hợp Thanh Hóa với diện tích 4.500 ha, được phân bố ở 22 xã thuộc 2 huyện Như Xuân và Như Thanh. 

Ngay sau khi được phê duyệt vùng nguyên liệu Cty đã đầu tư tiền khai hoang, hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho nông dân trồng sắn.  

{keywords}
Vùng Nguyên liệu của nhà máy sắn Như Xuân bị Cty Phúc Thịnh đến thu mua phá giá
{keywords}
 
Ông Hạnh bức xức về việc Cty Phúc Thịnh đế thu mua, phá giá vùng nguyên liệu của nhà máy ông

Thời gian gần đây Cty sắn Phúc Thịnh liên tục cho người vào vùng nguyên liệu của nhà máy ông để thu mua, phá giá. Ông Hạnh đã phải cho người đến nhắc nhở chủ hợp đồng, người dân và báo cáo tình hình bất ổn này đến cả huyện Như Xuân, các xã liên quan và lực lượng Công an tỉnh, huyện nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Liên quan tới việc Cty sắn Phúc Thịnh sang vùng nguyên liệu của nhà máy sắn Như Xuân thu mua, phá giá, trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Minh Tiến, Giám đốc nhà máy sắn Phúc Thịnh khẳng định việc thu mua sắn của Cty ông bên Như Xuân là hoàn toàn đúng?!.

Khi phóng viên hỏi ông Tiến có biết bên nhà máy sắn Như Xuân đã được tỉnh phê duyệt vùng nguyên liệu từ năm 2000?, ông Tiến cho hay: “Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai quy định cái đó cả, và không có quy trình phê duyệt nào”. Vậy Cty ông có đầu tư phân bón, giống... cho người dân vùng nguyên liệu bên Như Xuân không?, ông Tiến thản nhiên trả lời rằng: “Tôi không đầu tư”!.

Trong khi đó, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng: “Nếu vùng nguyên liệu đã được quy hoạch cho nhà máy sắn Như Xuân mà họ không đầu tư thì người dân có quyền bán ra ngoài. Nhưng nếu nhà máy sắn Như Xuân có đầu tư thì họ đứng ra bảo vệ vùng nguyên liệu của họ là đúng. Còn anh (Cty sắn Phúc Thịnh - PV) không đầu tư gì mà đứng ra thu mua chộp giật như vậy là phải phản đối”.

Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chung quan điểm ủng hộ doanh nghiệp được quy hoạch vùng nguyên liệu và có đầu tư bằng các hợp đồng kinh tế ký kết với người dân.

Bên cạnh đó tỉnh không khuyến khích những trường hợp thu mua chộp giật, nâng giá, thậm chí là tranh chấp vùng của người ta (nhà máy sắn Như Xuân - PV) đã đầu tư rồi, như thế sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư.

“Trong cạnh tranh phải bình đẳng, lành mạnh. Nếu người dân đã ký hợp đồng với nhà máy rồi thì phải bán cho nhà máy, không thể bán ra ngoài. Việc thu mua chộp giật của các doanh nghiệp khác diễn ra mà người dân không ý thức được, sau này nhà máy không đầu tư nữa thì chính nông dân sẽ là người thiết thòi, mất quyền lợi”, ông Kỳ cho biết.

Lê Anh