Liên quan đến việc máy bay Airbus A321 bị lỗi động cơ, chiều 1/2, đại diện VNA trao đổi với VietNamNet sẽ có khoảng 20 máy bay Airbus A321 bị ảnh hưởng do lỗi chế tạo. Con số này đưa ra dựa trên căn cứ thông tin từ nhà sản xuất .
“Trên cơ sở phân tích, đánh giá và kế hoạch của nhà sản xuất thì lịch dừng kiểm tra các máy bay của Vietnam Airlines sẽ tiến hành từ đầu năm 2024. Dự kiến đến cuối năm 2024 có 16 máy bay phải dừng bay để gửi động cơ đi kiểm tra. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của nhà sản xuất và Cục Hàng không Việt Nam là bắt thuộc theo nguyên tắc của Vietnam Airlines”, đại diện VNA thông tin.
Việc dừng máy bay để kiểm tra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không ở Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines. Hãng đã chủ động tính toán để có phương án xử lý phù hợp. Theo đó, Vietnam Airlines có thể thuê máy bay, thuê bổ sung động cơ cũng như điều chỉnh đường bay, lịch bay phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 31/1, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị tuân thủ và thực hiện Thông báo kỹ thuật khẩn(Alert ServiceBulletine) đối với động cơ PW1100 trên đội tàu bay A321NEO khai thác bởi các hãng hàng không Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả đánh giá của Tổ An toàn khai thác tàu bay Airbus A321NEO sử dụng động cơ PW1100G, Cục trưởng yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP và Công ty Cổ phần hàng không Vietjet tuyệt đối tuân thủ và thực hiện ngay toàn bộ các nội dung của Alert Service Bulletine PW1000G-C-72-00-0224-00A-930A-D, PW1000G-C-72-00-0225-00A-930A-D và các phiên bản cập nhật tiếp theo của Nhà sản xuất đối với động cơ PW1100 trên tàu bay Airbus A321NEO.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP và Công ty Cổ phần hàng không Vietjet báo cáo kết quả, kế hoạch thực hiện về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 15/2.
Trước đó, ngày 3/11/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) đã ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1/2024 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G gắn trên máy bay Airbus A321 NEO.
Được biết, theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, các bộ phận cần kiểm tra và thay thế trên động cơ PW 1100 G là đĩa máy nén cao áp và đĩa tuabin cao áp.
Để thực hiện kiểm tra, động cơ được tháo khỏi máy bay. Tiếp đó sẽ tháo rời động cơ để siêu âm kiểm tra khiếm khuyết, thay thế bộ phận bị lỗi (nếu có) rồi lắp ráp lại trước khi gắn lên máy bay. Quá trình trên dự kiến mất từ 250 - 300 ngày cho mỗi động cơ.
Trao đổi thêm với PV VietNamNet vào chiều 31/1, một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện tại Việt Nam có 44 máy bay A321 Neo trang bị động cơ PW1100G. Trong đó của Vietnam Airlines (VNA 20 máy bay) và Vietjet (VJC 24 chiếc).
“Điều này có nghĩa là sẽ có 44 máy bay A321Neo trang bị động cơ chịu sự điều chỉnh của chỉ thị. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không đánh giá đầy đủ các yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Theo yêu cầu hiện tại của nhà máy chế tạo động cơ PW thì một số tàu bay sẽ phải tháo động cơ để đưa đi kiểm tra sớm hơn kế hoạch”, cán bộ này thông tin.
Hiện Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo các hãng hàng không đang khai thác máy bay có động cơ bị ảnh hưởng của lệnh triệu hồi và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam thu xếp bãi đậu cho các máy bay dừng lâu ngày cũng như triển khai các chương trình bảo dưỡng dừng bay…