Ngày 8/7 mới đây, dư luận xôn xao về vụ việc cặp vợ chồng nước ngoài du lịch tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa nguy kịch sau khi pha cồn 90 độ vào bia để uống. Trước đó, 1 người bạn cùng tham gia tiệc bia với 2 người này đã tử vong ngoại viện.

Nguyên nhân của vụ việc sau đó được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa xác nhận là ngộ độc methanol trong cồn 90 độ nhóm này pha vào bia để uống.

Đầu tháng 4, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại Phú Thọ. Nam bệnh nhân 56 tuổi, tiền sử nghiện rượu nhiều năm đã mua cồn sát khuẩn 90 độ về pha uống. Kết quả là bệnh nhân ngộ độc methanol, não tổn thương nghiêm trọng. Trường hợp này may mắn được cứu sống, tuy nhiên thị lực 2 mắt đã mất hoàn toàn.

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm, trung tâm tiếp nhận ít nhất vài chục bệnh nhân ngộ độc methanol, bao gồm các trường hợp pha cồn sát trùng với nước để tạo thành rượu uống hoặc vô tình uống rượu lậu có pha trộn methanol.

{keywords}
Chai cồn 90 độ được 1 bệnh nhân mua về pha nước thành rượu uống - Ảnh: BS cung cấp

Các trường hợp đều nhập viện trong tình trạng rất nặng, đã hôn mê, hoại tử não, xuất huyết não, mù mắt. Số ca tử vong lên đến 30% (tại các cơ sở y tế tuyến dưới lên tới 50%), tuy nhiên những trường hợp cứu được cũng để lại di chứng rất nặng nề, trong đó có mù vĩnh viễn, tổn thương não.

Ông Nguyên nhấn mạnh, chai cồn sát trùng thông thường luôn có thành phần ethanol là chủ yếu, bên cạnh nước và một số thành phần phụ trợ khác. Ethanol chính là chất đảm bảo công dụng sát trùng cho người bệnh.

Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường lưu hành rất nhiều chai cồn sát trùng “giả”, tức là thay ethanol bằng methanol – loại cồn có nguồn gốc từ sản xuất công nghiệp hoặc được nhập khẩu về (thường để pha xăng E5).

Trên thế giới hay tại Việt Nam, hóa chất methanol đều không được công nhận có công dụng sát trùng. Loaị cồn này khi dùng sát trùng bôi trên da, kể cả khi da lành vẫn có thể ngấm qua da vào máu, nên khi bôi diện rộng có thể gây nhiễm độc.

{keywords}
ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Minh Nhật

Bác sĩ Nguyên thông tin, để ngăn chặn các vụ ngộ độc tiếp diễn, Trung tâm chống độc đã chủ động phát hiện rất nhiều sản phẩm cồn methanol nguy hiểm, báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn do nhiều sản phẩm cồn methanol khác vẫn lưu hành trên thị trường.

“Về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, ở trong tình trạng nguy kịch”, ông Nguyên phân tích.

Bác sĩ Nguyên cũng chia sẻ, bệnh nhân ngộ độc cồn methanol đa số đều là các trường hợp rất đáng tiếc bởi việc phát hiện quá muộn. Nhiều nước phát triển khắc phục vấn đề này bằng cách quy định cồn công nghiệp methanol phải được đóng chai, có dán nhãn, có pha màu nhận diện rất rõ nên ai cũng biết đó là chất độc.

Bởi vậy, người nghiện rượu hoặc người có ý định tự tử khi uống phải sẽ nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, lọc máu, giải độc kịp thời nên hy vọng sống cao, không để lại biến chứng.

{keywords}
Hình ảnh não 1 bệnh nhân tổn thương nặng do uống phải cồn công nghiệp methanol: Ảnh: BS cung cấp

Hệ lụy nghiêm trọng khác của việc cồn methanol tràn lan trên thị trường, theo ông Nguyên, chính là sản phẩm này có thể chui lủi vào các phòng khám, bệnh viện, khiến việc đảm bảo sát trùng, bảo vệ người bệnh không được đảm bảo.

Điều này có nghĩa, với bệnh nhân đến các cơ sở y tế, nếu các loại cồn rởm này được sử dụng để sát trùng cho các thủ thuật từ lấy máu, tiêm truyền đến các phẫu thuật lớn thì không thể phòng chống biến chứng nhiễm khuẩn, để lại hậu quả rất lớn.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nếu các sản phẩm sát trùng tay cũng sử dụng loại cồn công nghiệp methanol thì vừa không thể đảm bảo diệt virus, vừa tăng nguy cơ nhiễm độc (vì một ngày mỗi người có thể phải sát trùng tay nhiều lần).

{keywords}
Một số loại cồn công nghiệp methanol - Ảnh: N.Liên

Đối với người dân, để bảo vệ bản thân khỏi ngộ độc methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc uống rượu. Nếu sử dụng, hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để tránh trường hợp uống phải rượu có pha methanol.

Bên cạnh đó, không nên uống hoặc pha bất cứ loại cồn sát khuẩn nào thành rượu, hoặc pha với bia để uống. Bởi ngoài methanol, cồn ethanol khi uống nồng độ cao cũng có thể khiến đường tiêu hóa bị bỏng, thậm chí tử vong nếu tình trạng quá nặng.

“Đặc biệt, cần quản lý hóa chất cồn công nghiệp methanol, không để loại hóa chất này có cơ hội “tuồn ra ngoài” hoặc xuất hiện từ nguồn nhập lậu, vào tay những người làm ăn không chân chính, từ đó tạo ra các sản phẩm nguy hiểm cho cộng đồng. Chúng ta rất cần biện pháp giải quyết tận gốc, có tính hệ thống”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Nguyễn Liên


Tổn thương não, tử vong sau chầu rượu ‘độc’: Làm sao phân biệt rượu chứa Methanol?Sau khi uống rượu chứa Methanol tùy liều lượng bệnh nhân sử dụng, các dấu hiệu ngộ độc sẽ xảy ra với cơ thể nạn nhân. Có trường hợp đau đầu, chóng mặt, nặng hơn là co giật, hôn mê, tổn thương não, mù mắt, thậm chí tử vong.